1. Căn cứ pháp lý
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể như sau:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
2. Phân tích về tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một nội dung rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người phạm tội. Việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thể hiện quan điểm của Nhà nước về cách thức xử lý người phạm tội, vừa đảm bảo trật tự, an toàn cho xã hội nhưng phải vừa đạt được mục đích bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của người dưới 18 tuổi, kể cả khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Luật hình sự Việt Nam căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước, cũng như dựa vào kết quả công trình nghiên cứu khảo sát về tâm sinh lý con người và căn cứ vào chính sách hình sự qua các thời kỳ lịch sử của Nhà nước, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Như vậy, luật hình sự Việt Nam không quy định độ tuổi tối đa phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ quy định độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự là tròn 14 tuổi. Tuy nhiên, có những quy định về điều kiện để áp dụng trách nhiệm hình sự, cụ thể:
– Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên “phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”. Căn cứ vào tình hình phát triển chung về thể chất và tâm sinh lý của người Việt Nam, người từ đủ 16 tuổi trở lên là người đã nhận thức được tính nguy hiểm của mọi hành vi mà mình thực hiện cũng như khả năng điều khiển được hành vi ấy, do đó, phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm mà mình gây ra. Tuy nhiên, để xác định tính phù hợp và linh hoạt trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm cụ thể, pháp luật hình sự có quy định riêng ở một số tội phạm, mà độ tuổi cụ thể được đề cập trong cấu thành cơ bản của tội phạm ấy.
Ví dụ: khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi… thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”, như vậy, độ tuổi tối thiểu đối với tội danh này là tròn 18 tuổi trở lên.
– Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi “phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”. Với quy định này, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bao gồm:
+ Tội phạm thực hiện phải là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tức là mức cao nhất của khung hình phạt trên 07 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình;
+ Tội phạm thực hiện phải thuộc tội danh được quy định tại các điều:
- Điều 123 (Tội giết người)
- Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác)
- Điều 141 (Tội hiếp dâm)
- Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi)
- Điều 143 (Tội cưỡng dâm)
- Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi)
- Điều 150 (Tội mua bán người)
- Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi)
- Điều 168 (Tội cướp tài sản)
- Điều 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản)
- Điều 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản)
- Điều 171 (Tội cướp giật tài sản)
- Điều 173 (Tội trộm cắp tài sản)
- Điều 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản)
- Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy)
- Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy)
- Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy)
- Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy)
- Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy)
- Điều 265 (Tội tổ chức đua xe trái phép)
- Điều 266 (Tội đua xe trái phép)
- Điều 286 (Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử)
- Điều 287 (Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử)
- Điều 289 (Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác)
- Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản)
- Điều 299 (Tội khủng bố)
- Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia)
- Điều 304 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự)
Quy định này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thu hẹp phạm vi đối tượng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đã khắc phục hạn chế của các Bộ luật Hình sự trước đó. Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 đều xác định loại tội phạm và lỗi là dấu hiệu bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự mà không có sự phân loại các tội phạm cụ thể. Thực tế, người trong độ tuổi này dễ bị lôi kéo, dụ dỗ để thực hiện tội phạm và họ không nhận thức được hoặc nhận thức không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mình thực hiện, ví dụ như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm chiến tranh… Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giới hạn một cách cụ thể, rõ ràng các loại tội phạm và tội phạm cụ thể mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này phù hợp với nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự dựa vào yếu tố lỗi và truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế khách quan, đảm bảo quyền con người đặc biệt là quyền của người dưới 18 tuổi nói chung và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nói riêng.
Pháp luật hình sự xác định nguyên tắc tính tuổi tròn đối với chủ thể của tội phạm là cá nhân. Thuật ngữ “từ đủ” trong điều luật đã xác định một nguyên tắc khi tính tuổi là phải tròn ngày, tròn tháng, tròn năm.
Ví dụ: Nguyễn Văn A, sinh ngày 20/10/2002 thì phải đến ngày 20/10/2016 mới tròn 14 tuổi và đến 20/10/2018 mới tròn 16 tuổi. Trong trường hợp không xác định được ngày sinh hoặc tháng sinh của người phạm tội thì sẽ chọn ngày cuối cùng của tháng, nếu xác định được tháng sinh hoặc ngày cuối cùng, tháng cuối cùng của quý, nếu xác định được quý sinh hoặc ngày cuối cùng, tháng cuối cùng của năm nếu xác định được năm sinh của người phạm tội.
Ví dụ: Vào ngày 20/5/2019, Trần Văn B, thực hiện hành vi giết người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua xác minh thì cơ quan chức năng xác định được B sinh vào tháng 5/2005 mà không xác định được ngày sinh. Trong trường hợp này, căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự thì lấy ngày cuối cùng của tháng 5/2005 làm ngày sinh cho B, tức B sinh ngày 31/5/2005. Như vậy, B chưa tròn 14 tuổi, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B. Quy định này xuất phát trên cơ sở nguyên tắc áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự có lợi và nhân đạo cho người phạm tội.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung