1. Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là gì?
Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trường hợp giết người do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Các yếu tố cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.1. Mặt khách thể
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trật tự, an toàn xã hội và quyền con người. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tính mạng của con người.
– Khách thể trực tiếp của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Đối tượng tác động của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là thân thể con người đang sống.
2.2. Mặt khách quan
Người phạm tội thực hiện hành vi giết người trong điều kiện khách quan là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra đối với người phạm tội hoặc đối với thân nhân của người phạm tội làm cho người phạm tội rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng nói ở đây có thể cấu thành một tội phạm hoặc cũng có thể không hoặc chưa đến mức cấu thành một tội phạm. Nhưng dù ở trường hợp nào thì hành vi đó cũng phải có tình chất là trái pháp luật nghiêm trọng. Nếu hành vi của nạn nhân tuy là trái pháp luật nhưng không nghiêm trọng mà có tính chất nhỏ nhặt thì không thuộc trường hợp này mà có thể thuộc trường hợp phạm tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 và bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân được coi là tình tiết giảm nhẹ theo Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể là một hành vi cụ thể và tức thì dẫn đến tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Nhưng cũng có thể hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân là một chuỗi các hành vi khác nhau diễn ra có tính lặp đi lặp lại trong thời gian dài và liên tiếp tác động đến tinh thần người phạm tội, làm cho họ bị dồn nén về mặt tâm lý, và đến một thời điểm nào đó khi có một hành vi trái pháp luật cụ thể xảy ra thì trạng thái tinh thần của người phạm tội bị đẩy đến cao độ và người phạm tội lâm vào tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Trong trường hợp này, nếu chỉ xét một hành vi cụ thể ngay liền trước trạng thái tinh thần bị kích động mạnh sẽ không thấy được hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể là đối với chính người phạm tội hoặc có thể là đối với người khác có quan hệ tình cảm thân thuộc với người phạm tội. Tuy nhiên, dù hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với người phạm tội hay người thân của người phạm tội thì cũng phải dẫn đến người phạm tội bị mất khả năng tự chủ. Tình trạng mất tự chủ này diễn ra trong chốc lát rồi biến mất. Nếu người phạm tội trong trường hợp vẫn còn suy nghĩ và kiềm chế được mình mà vẫn giết người thì phải định tội giết người với tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Một yêu cầu nữa là giữa hành vi trái pháp luật của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội phải có mối quan hệ nhân quả. Thật ra, hành vi trái pháp luật như thế nào mới dẫn đến tinh thần bị kích động mạnh, không có một chuẩn mực chung nào. Để xác định, chúng ta cần xem xét từng trường hợp cụ thể với những điều kiện khách quan, chủ quan nhất định. Chẳng hạn, cũng chỉ với việc thấy vợ mình ngoại tình, có ông chồng vác dao chém tình địch, có ông chồng gọi vợ về khuyên răn, có ông chồng viết đơn ly hôn…
Lưu ý: Đây là hành vi phạm tội không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Vì thế, chỉ có thể định tội này khi hậu quả chết người đã xảy ra. Vì vậy, không có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ở giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa đạt.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
2.4. Mặt chủ thể
Chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Hình phạt áp dụng đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có 02 khung hình phạt, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
---|---|---|
Khung 1 (Khung hình phạt cơ bản) | Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm | Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó |
Khung 2 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm | Phạm tội đối với 02 người trở lên |