1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là gì?
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải thi hành bản án đã tuyên. (Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015)
Đặc điểm thời hiệu thi hành bản án hình sự:
– Là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định, nghĩa là việc thi hành bản án phải được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, có điểm bắt đầu và có điểm kết thúc. Nó bắt đầu từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và kết thúc khi hết một khoảng thời hạn luật định.
– Hậu quả pháp lý của việc không thi hành bản án trong thời hạn do luật định: Khi kết thúc thời hạn mà bản án đã tuyên, có hiệu lực pháp luật đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không được thi hành thì đương nhiên những đối tượng bị kết án sẽ không phải thi hành bản án đó nữa.
2. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án trong trường hợp nào?
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án được quy định tại Điều 61 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể như sau:
Điều 61. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, khoản 3 và khoản 4 Điều 353, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Không phải mọi loại tội phạm đều áp dụng thời hiệu theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 mà đối với một số tội danh nhất định pháp luật hình sự không đặt ra vấn đề thời hiệu mà theo đó thời hiệu sẽ không được áp dụng, nghĩa là thời hiệu chỉ có thời điểm bắt đầu mà không có thời điểm kết thúc. Người bị kết án buộc phải chấp hành bản án. Các tội danh không áp dụng thời hiệu được quy định như sau:
– Các tội được quy định tại Chương XIII: Đây là phần quy định các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia như:
- Điều 108 – Tội phản bội tổ quốc;
- Điều 109 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
- Điều 110 – Tội gián điệp;
- Điều 111 – Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ;
- Điều 112 – Tội bạo loạn;
- Điều 113 – Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;
- Điều 114 – Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
- Điều 115 – Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội;
- Điều 116 – Tội phá hoại chính sách đoàn kết;
- Điều 117 – Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
- Điều 118 – Tội phá rối an ninh;
- Điều 119 – Tội chống phá cơ sở giam giữ;
- Điều 120 – Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân;
- Điều 121 – Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
– Các tội được quy định tại Chương XXVI: Đây là các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh như:
- Điều 421 – Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược;
- Điều 422 – Tội chống loài người;
- Điều 423 – Tội phạm chiến tranh;
- Điều 424 – Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê;
- Điều 425 – Tội làm lính đánh thuê.
– Khoản 3, khoản 4 Điều 353 – Tội tham ô tài sản:
“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.
– Khoản 3, khoản 4 Điều 354 – Tội nhận hối lộ:
“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.
Đây là các tội phạm mà tính chất nguy hiểm của nó không chỉ tác động đến phạm vi một quốc gia mà mang tầm ảnh hưởng quốc tế. Do vậy việc không quy định thời hiệu thi hành bản án là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo tội phạm phải được xử lý, buộc người bị kết án phải chấp hành các chế tài được nêu trong bản án tại mọi thời điểm, trường hợp mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Nếu đối chiếu với quy định tại Bộ luật hình sự 1985, Bộ luật hình sự 1999 thì các trường hợp không áp dụng thời hiệu thi hành bản án có sự mở rộng đáng kể, cụ thể:
– Điều 47 Bộ luật hình sự 1985 quy định: “Không áp dụng thời hiệu quy định ở Điều 45 và Điều 46 đối với các tội phạm quy định tại Chương XII phần các tội phạm bộ luật này”. Chương XII ở đây là nói đến các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
– Điều 56 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này. Chương XI quy định các tội về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XXIV quy định các tội về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.”
– Đến nay, Bộ luật hình sự hiện hành đã bổ sung thêm hai trường hợp không được áp dụng thời hiệu thi hành bản án, đó là trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 – Tội tham ô tài sản, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 – Tội nhận hối lộ.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung