Thời hạn là gì? Ý nghĩa và phân loại thời hạn
1. Thời hạn là gì? Ý nghĩa của thời hạn
Thời gian dưới góc độ triết học là khái niệm thể hiện trình tự biến đổi của thế giới vật chất. Thời gian luôn mang tính khách quan, không có bắt đầu và kết thúc, trôi dần đều theo một chiều duy nhất và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Còn thời hạn là một khoảng thời gian có điểm đầu và điểm cuối xác định. Do vậy, thời hạn vừa mang tính khách quan của thời gian nói chung đồng thời lại mang tính chủ quan của người định ra điểm đầu và điểm cuối.
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
Trong giao lưu dân sự, thời hạn có vai trò quan trọng trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia. Thời hạn với tư cách là một sự kiện pháp lý đặc biệt làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong những trường hợp do pháp luật quy định hoặc các bên thoả thuận.
2. Phân loại thời hạn
2.1. Dựa vào trình tự xác lập
Dựa vào trình tự xác lập mà thời hạn được phân thành 3 nhóm như sau:
– Thời hạn do luật định: Là thời hạn pháp luật quy định bắt buộc đối với các chủ thể tham gia giao dịch, chủ thể không được phép thay đổi thời hạn đó.
Ví dụ: Thời hạn yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, thời hiệu khởi kiện về thừa kế…
– Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định.
Ví dụ: Cơ quan nhà nước quy định về thời hạn nhận và trả hồ sơ…
– Thời hạn do các chủ thể tự xác định.
Ví dụ: Thời hạn vay tài sản, thời hạn thực hiện công việc gia công…
2.2. Dựa vào tính xác định
Dựa vào tính xác định mà thời hạn được phân thành:
– Thời hạn xác định: Là loại thời hạn được quy định rõ ràng bằng cách xác định chính xác thời điểm bắt đầu, kết thúc.
– Thời hạn không xác định: Là thời hạn trong đó chỉ quy định một cách tương đối khoảng thời gian mà không xác định chính xác thời gian đó. Trong các trường hợp này, luật thường sử dụng các thuật ngữ: “kịp thời”; “khoảng thời gian hợp lý”, “khi có yêu cầu”…
Trường hợp các bên không thoả thuận về thời điểm kết thúc thời hạn thì thời hạn kết thúc khi bên có quyền yêu cầu hoặc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng, đầu năm, giữa năm, cuối năm thì các ngày tương ứng là ngày mùng 1, ngày 15, ngày cuối cùng của tháng đó, ngày mồng 1 tháng 01, ngày 30 tháng 6, ngày 31 tháng 12. Tuy nhiên, nếu những ngày này là ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ thì thời hạn cũng được xác định theo quy tắc chung – ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó mới là ngày kết thúc thời hạn.