Tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm
1. Tội phạm là gì?
Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
2. Yếu tố cấu thành tội phạm
Từ khái niệm nêu trên ta xác định được các yếu tố cấu thành của tội phạm, bao gồm:
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội
- Yếu tố có lỗi
- Do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện
- Xâm phạm các mối quan hệ được quy định tại Bộ luật hình sự
Do vậy không phải mọi hành vi đều cấu thành tội phạm mà chỉ khi hành vi đó thỏa mãn đồng thời các yếu tố nêu trên thì mới xác định có tội phạm xảy ra.
2.1. Phải là hành vi nguy hiểm, xâm hại đến các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ và được quy định trong Bộ luật Hình sự
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là một trong các yếu tố của mặt khách quan, được hiểu hành vi đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các quan hệ đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Nếu thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra không đáng kể thì không phải hành vi nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là hành vi phạm tội.
Ví dụ: Trộm cặp tài sản lần đầu tiên mà tài sản có trị giá chưa đến 02 triệu đồng mà chưa gây hậu quả nghiêm thì không coi là tội phạm.
Việc đánh giá hành vi nào hành vi gây nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào tình hình phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Ví dụ: Nếu trước đây hành vi hoạt động phỉ là hành vi nguy hiểm cho xã hội thì nay Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ quy định này, thu hút về các cấu thành tội khác phù hợp hơn. Ngược lại, có những hành vi trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng nay lại là hành vi nguy hiểm xã hội. Ví dụ: Hành vi xâm phạm quyền ứng cử của công dân, trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nay hành vi này được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Khi xác định một hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng tức là đã coi hành vi đó là hành vi phạm tội, tất nhiên người thực hiện hành vi đó có bị truy cứu hình sự hay không còn phải căn cứ vào yếu tố khác được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, không phải hành vi nguy hiểm nào cho xã hội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi nguy hiểm này phải là hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Về mặt lý luận, nguyên tắc này nhằm gạt bỏ việc áp dụng nguyên tắc tương tự. Chỉ có Bộ luật Hình sự mới được quy định về tội phạm, ngoài ra, nếu không thỏa mãn hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự thì không được xem là tội phạm.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 8 còn nêu rõ, hành vi phạm tội đó phải là hành vi gây ra nguy hiểm đáng kể, còn nếu gây ra nguy hiểm không đáng kể thì không được xem là tội phạm.
Ví dụ: Trong tội cố gây thương tích, thì hậu quả là thương tích gây ra, thì nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì hậu quả ở đây là phải gây ra thương tích từ trên 11% trở lên mới được xem là tội phạm.
2.2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội phải do chủ thể theo quy định của Bộ luật hình sự thực hiện
Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm, mà chỉ những người hoặc pháp nhân thương mại có năng lực trách nhiệm hình sự mới là chủ thể của tội phạm.
Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể các trường hợp được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong các điều luật cụ thể, một vài trường hợp cũng sẽ nhắc đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự này. Tuy nhiên, độ tuổi để có năng lực chịu trách nhiệm hình sự này không được quy định cố định, mà tùy vào từng trường hợp sẽ quy định bắt buộc người thực hiện hành vi phạm tội tại độ tuổi đó phải nhận thức được và điều khiển được hành vi của mình. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sẽ được quy định chi tiết và cụ thể tại Điều 12 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, trong một số trường hợp chỉ một hoặc một số người mới là chủ thể của tội phạm, những trường hợp này được xem là chủ thể đặc biệt trong bộ luật Hình sự. Ví dụ: Chỉ người mẹ đẻ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ. Còn nếu không phải mẹ đẻ mà là người khác thì sẽ là tội giết người. Trường hợp này được xem là chủ thể đặc biệt. Ngoài ra, chỉ người có chức vụ quyền hạn mới là chủ thể của các tội có chức vụ quyền hạn, trường hợp này loại trừ các trường hợp đồng phạm cùng thực hiện hành vi.
2.3. Chủ thể thực hiện hành vi tội phạm phải có lỗi dưới dạng vô ý hoặc cố ý
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Tuy nhiên, khi Bộ luật Hình sự 2015 quy định thêm chủ thể mới là pháp nhân thương mại thì việc định nghĩa lỗi không còn như trước nữa, mà phải bổ sung lỗi là thái độ tâm lý của một người hoặc một pháp nhân thương mại đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức vô ý hoặc cố ý.
Trên thực tế lỗi chỉ được xác định trên đối tượng là con người còn pháp nhân thương mại rất khó xác định lỗi trong trường hợp này. Để hiểu mặt lỗi của pháp nhân thương mại, cần phải hiểu pháp nhân thương mại hoạt động thông qua một hoặc một số người đại đại diện, như vậy, lỗi của pháp nhân thương mại chính là lỗi của người đại diện pháp nhân thương mại đó.
Khoa học luật hình sự coi lỗi là một dấu hiện thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người hoặc pháp nhân thương mại có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không đủ yếu tố cấu thành của tội phạm. Tội phạm là hành vi có lỗi, tính có lỗi là thuộc tính cơ bản của tội phạm, là cơ sở để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình hoặc của tổ chức mình và hậu quả của hành vi đó gây ra. Hiện nay, lỗi được quy định tại Điều 10, Điều 11 của Bộ luật Hình sự.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung