1. Căn cứ pháp lý
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Các yếu tố cấu thành tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là trật tự, an toàn xã hội và quyền con người. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chínhc là sức khỏe của con người.
– Khách thể trực tiếp của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Đối tượng tác động của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là sức khỏe, thân thể con người.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện qua việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Vi phạm quy tắc nghề nghiệp là vi phạm những quy tắc thuộc phạm vi một ngành, một nghề, một lĩnh vực do Nhà nước, Bộ, ngành quy định, như quy tắc điều trị trong các bệnh viện, quy tắc khai thác gỗ trong rừng, quy tắc an toàn khi mắc điện… Quy tắc hành chính do Luật Hành chính quy định hoặc các cơ quan hành chính ban hành. Những quy tắc này có thể do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các ngành ban hành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một số đơn vị sản xuất quy định.
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là trường hợp tăng nặng của tội vô ý gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nên cần phải làm rõ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là gì để có cơ sở kết tội.
Người phạm tội thực hiện các hành vi trực tiếp gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác. Mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác phải từ 31% trở lên mới phạm tội. Nếu mức độ thương tật từ 31% trở xuống thì không phạm tội, chỉ bị xử lý hành chính, giải quyết bồi thường dân sự.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Hành vi của người phạm tội phải thực hiện do lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả):
- Người thực hiện hành vi vi phạm tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý do quá tự tin);
- Người thực hiện hành vi vi phạm không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).
2.4. Mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đang thực hiện công tác theo nghề nghiệp, chuyên môn của mình hoặc các hoạt động hành chính
3. Hình phạt áp dụng đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có 03 hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
---|---|---|
Khung 1 (Khung hình phạt cơ bản) | Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm | Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% |
Khung 2 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: – Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; – Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. |
Khung 3 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. | Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên |
Khung 4 (Khung hình phạt bổ sung) | Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |