1. Hình phạt là gì?
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
2. Quản chế là gì? Hình phạt quản chế được áp dụng khi nào?
Hình phạt quản chế được quy định tại Điều 43 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó: Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Cũng giống như hình phạt cấm cư trú, hình phạt quản chế cũng tước đi quyền tự do đi lại, tự do cư trú của người bị kết án. Tuy nhiên về bản chất thì hình phạt này hoàn toàn ngược lại, nếu như hình phạt cấm cư trú cấm người bị kết án cư trú ở một hoặc một số địa phương nhất định thì hình phạt quản chế lại chỉ cho phép người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống ở một địa phương nhất định. Việc di chuyển ra vào ngoài phạm vị địa phương được cư trú phải có sự đồng ý và giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền và nhân dân.
Mục đích của hình phạt này như đúng tên gọi của nó là nhằm quản chế, giám sát người bị kết án sau khi họ đã chấp hành xong hình phạt tù và thông thường là áp dụng đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tái phạm nguy hiểm. Việc tự do đi lại của họ sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi khả năng họ tái phạm, khả năng kết nối với những thành phần tội phạm khác…
Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung