Hình phạt là gì? Phân tích quy định về hình phạt
1. Hình phạt là gì?
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
2. Phân tích quy định về hình phạt trong Bộ luật Hình sự
Đây là Điều luật định nghĩa về hình phạt, so với định nghĩa cũ trong Bộ Luật hình sự 1999 thì cách thức sắp xếp câu chữ có thay đổi tuy nhiên nội dung về cơ bản vẫn giống như cũ chỉ thêm phần pháp nhân thương mại cho phù hợp với đối tượng điều chỉnh theo Bộ luật mới.
2.1. Bản chất của hình phạt
Nếu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật chúng ta sẽ bị chế tài và tùy thuộc vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà chế tài chúng ta phải chịu có thể là chế tài trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự. Trong đó có thể thấy hình phạt là 1 hình thức chế tài nghiêm khắc nhất. Điều này chứng tỏ rằng mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ là những quan hệ xã hội quan trọng nhất. Biện pháp chế tài ở đây không chỉ đơn thuần là chế tài về mặt tài sản (như phạt tiền) mà nó còn là chế tài liên quan đến quyền tự do cư trú, tự do đi lại và cao nhất là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng (án tử hình).
2.2. Thẩm quyền quyết định
Cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định áp dụng hình phạt là Tòa án. Tòa án ở đây phải được hiểu là Tòa án có thẩm quyền đối với từng vụ án cụ thể theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy so với các biện pháp chế tài trong các lĩnh vực pháp luật khác thì chủ thể có quyền áp dụng hình phạt là ít nhất, ít hơn rất nhiều so với chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và điều đó cũng dẫn đến một hệ quả là quy trình để đưa ra biện pháp chế tài là hình phạt cũng sẽ khó khăn hơn do tính chất phức tạp và hậu quả pháp lý mà nó mang lại.
2.3. Đối tượng bị áp dụng
“Người” thì chúng ta sẽ không bàn luận gì thêm vì nó hoàn toàn dễ hiểu và giống với các quy định cũ. Do đó chúng ta cùng tìm hiểu thêm về đối tượng mới được bổ sung: pháp nhân thương mại. Việc thêm đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật hình sự này được đánh giá là một tiến bộ lớn trong ngành khoa học pháp lý hình sự. Đó là cả một quá trình thai nghén, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổ chức hội thảo để tiếp thu những góp ý từ những người có chuyên môn trong và ngoài nước để cho ra chế định áp dụng với đối tượng tương đối đặc biệt, lạ lẫm trong pháp luật hình sự này. Tuy nhiên do lần đầu tiên đưa vào nên cũng không tránh khỏi những thiếu sót nhất định mà như tác giả đã có dịp đề cập trong các chương trước. Nhưng dù sao xét về mặt tổng thể trên hướng đi của nhà làm luật chúng ta đang đi đúng con đường và con đường này có đảm bảo có chất lượng, an toàn hay không thì trong quá trình sử dụng chúng ta sẽ biết được, đồng thời sẽ khắc phục, sửa chữa những lỗ hổng, những chỗ sai khi cần thiết.
2.4. Mục đích hướng đến
Có thể hiểu một cách xúc tích đối tượng bị áp dụng hình phạt sẽ bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích. Mức độ ảnh hưởng có thể là bị hạn chế một số quyền, lợi ích đó hoặc là bị tước bỏ (mất hẳn). Quyền và lợi ích ở đây có thể chia làm 3 nhóm chính: Nhóm quyền về tài sản; quyền về nhân thân và quyền công dân. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà chủ thể có thể bị hạn chế (tước bỏ) một, một số hoặc tất cả những quyền và lợi ích trên.
3. Mục đích của hình phạt là gì?
Mục đích của hình phạt được quy định tại Điều 31 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể: Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
4. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung