1. Khái niệm về thuế thu nhập
So với các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… thuế thu nhập cũng thực hiện các chức năng tái phân phối thu nhập, là nguồn động viên vào ngân sách nhà nước đảm bảo duy trì và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như điều tiết nền kinh tế. Thuế thu nhập là sắc thuế lấy thu nhập làm đối tượng tính thuế. Tuy nhiên thuế thu nhập có một số khác biệt với các loại thuế khác.
Trong nền kinh tế thị trường, việc phân phối thu nhập thông qua cơ chế thị trường, người nào có khả năng về tài chính, sức lao động và các tư liệu sản xuất…thì chiếm ưu thế. Sự phân phối này sẽ dẫn đến phân cực giàu nghèo. Vì vậy, để đảm bảo công bằng xã hội Nhà nước cần sử dụng thuế thu nhập làm công cụ điều tiết thu nhập của các chủ thể có thu nhập cao, tránh sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội.
Mặt khác, bất kì một bộ máy nhà nước nào cũng cần có nguồn để chi tiêu và hoạt động, đó là tài chính. Hơn nữa, người có thu nhập cao nhờ vào xã hội mà có được ngày càng cao nên nhà nước huy động nguồn tài chính thông qua thế thu nhập.
Ngoài ra, thuế thu nhập được sử dụng như là biện pháp làm giảm bớt tính chất luỹ thoái của việc đánh thuế tiêu dùng. Thông qua việc nhà nước điều tiết nền kinh tế sẽ có chính sách thuế, mức thuế thu nhập phù hợp như chế độ miễn giảm thuế, khuyến khích đầu tư, định hướng tiêu dùng và tiết kiệm.
Xuất phát từ những lý do trên có thể đưa ra khái niệm về thuế thu nhập: Thuế thu nhập là một loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập thực tế của các thể nhân hoặc các pháp nhân phát sinh từng lần hoặc trong một khoảng thời gian xác định từ một số nguồn nhất định.
2. Đặc điểm về thuế thu nhập
Phân biệt thuế thu nhập với các loại thuế khác ở một số điểm sau: Thứ nhất, thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập. Hiện nay chưa có định nghĩa chính thức về “thu nhập” mà chỉ ở dạng liệt kê các khoản được gọi là thu nhập, chẳng hạn thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập, thu nhập ở trong nước, ở ngoài nước, thu nhập được bồi thường…Nhưng không phải tất cả các khoản thu nhập đều là đối tượng chịu thuế mà chỉ những thu nhập đáp ứng đầy đủ điều kiện theo luật định mới là thu nhập chịu thuế. Do vậy, việc xác định thu nhập chịu thuế là rất cần thiết. Thông thường các nước trên thế giới dựa vào tiêu chí như là thu nhập hợp pháp, đã thực tế phát sinh, phổ biến và nhà nước kiểm soát được. Tuy nhiên mỗi quốc gia áp dụng việc đánh thuế thu nhập hoàn toàn không giống nhau.
Thứ hai, thuế thu nhập là loại thuế trực thu, điều tiết nền kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, nhà nước có các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế đảm bảo chức năng khuyến khích hoặc áp dụng thuế luỹ tiến từng phần đối với một số khoản thực hiện mục tiêu điều tiết.
Thứ ba, đối với thuế thu nhập, người chịu thuế thu nhập không có khả năng chuyển giao gánh nặng cho các đối tượng khác tại thời điểm đánh thuế. Vì vậy, thuế suất thuế thu nhập sẽ rất cao, tạo ra cảm giác bề ngoài về việc đánh thuế là thiếu công bằng.
Thứ tư, thuế thu nhập thuộc đối tượng được điều chỉnh bới Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Vì vậy, nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập bao gồm các văn bản pháp luật quốc gia và luật quốc tế.

3. Các loại thuế thu nhập
Ở Việt Nam thuế thu nhập được thực hiện dưới hai hình thức là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Việc phân chia hình thức thuế như vậy là dựa vào đối tượng nộp thuế thu nhập. Đối tượng nộp thuế thu nhập có thể là tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi kinh doanh hoặc không kinh doanh được luật thuế quy định phải nộp các khoản thuế đó.
– Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các tổ chức kinh doanh có thu nhập là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Các quốc gia trên thế giới dù có tên gọi khác nhau về loại thuế này nhưng đều xác định đây là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế. Cơ sở để tính thu nhập chịu thuế đó là doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý được xác định trong năm tài tài chính. Đồng thời có các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế và phạm vi đối tượng nộp thuế, lĩnh vực, ngành nghề nộp thuế khác nhau tuỳ vào chính sách phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia quy định.
Pháp luật của Mỹ quy định công ty được thành lập ở nước đó là chủ thể nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở Thái Lan quy định: “Đối tượng nộp thuế thu nhập công ty chỉ bao gồm các công ty và các tổ chức hùn vốn có tư cách pháp nhân”. Còn ở Việt Nam có ba dấu hiệu nhận biết có phải là đối tượng nộp thuế: i) Được thành lập tại Việt nam; ii) Đăng kí kinh doanh tại Việt Nam; iii) Có trụ sở đặt tại Việt Nam và đóng vai trò thực tế trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn tác động đến sự lưu chuyển vốn, khả năng thu hút vốn đầu tư và sự phân phối thu nhập… Vì vậy, vấn đề hoàn thiện chế định thuế thu nhập doanh nghiệp là điều cần thiết.
– Thuế thu nhập cá nhân:
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập thực nhậ của các cá nhân trong một năm, từng tháng hoặc từng lần theo nguyên tắc luỹ tiến từng phần.
Các nước trên thế giới đều áp dụng đánh thuế theo tiêu chí xác định nơi cư trú, nhưng cách quy định ở mỗi nước lại khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ quy định cá nhân cư trú là công dân Mỹ và những người sinh sống ở Mỹ tối thiểu là 330 ngày đêm. Ở Nhật, quy định cụ thể ba trường hợp: cư trú thường xuyên (từ 5 năm trở lên); cư trú không thường xuyên (từ 1-5 năm); đối tượng không cư trú là người sống ở Nhật dưới một năm phải có hợp đồng lao động hoặc các giấy tờ chứng minh khác thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ở Việt Nam, thuế thu nhập cá nhân có nhiều điểm tương đồng với pháp luật thuế thu nhập cá nhân các nước. Chẳng hạn, tiêu chí ‘cá nhân cư trú’ để xác định đối tượng nộp thuế. Cá nhân cư trú là người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Thuế thu nhập cá nhân ảnh hưởng tới các yếu tố an sinh xã hội, vì vậy ban hành thuế thu nhập cá nhân phải xem xét ở nhiều góc độ khác nhau.
Xem thêm: Khái niệm, đặc trưng và vai trò của thuế xuất khẩu, nhập khẩu
Xem thêm: Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?