Khái niệm, đặc trưng và vai trò của thuế xuất khẩu, nhập khẩu

0 862

1. Khái niệm của thuế xuất, nhập khẩu

Trong điều kiện nền kinh tế thế giới phát triển theo xu hướng toàn cầu hoá thì pháp luật của các nước về thuế quan ngày càng có xu thế hội nhập quốc tế. Thuế xuất khẩu, nhập khẩu hay còn gọi là thuế quan là loại thuế phổ biến và có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước hàng năm và là công cụ hữu hiệu để nhà nước kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước, thực hiện chính sách đối ngoại của nhà nước.

Mục tiêu của các quốc gia là bảo hộ nền sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, khuyến khích xuất khẩu,… và tạo thu nhập cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, các nước thường sử dụng hai công cụ là hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Hàng rào phi thuế quan là việc ban hành các biện pháp như lệnh cấm xuất, nhập khẩu, hạn ngạch xuất, nhập khẩu. Hàng rào thuế quan là việc ban hành chế độ thuế xuất, nhập khẩu và các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Ở Việt Nam Luật thuế xuất, nhập khẩu ban hành lần đầu tiên năm 1987 và hiện hành là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Theo quy định hiện hành, thuế xuất, nhập khẩu vừa mang tính chất thuế gián thu vừa mang tính chất thuế trực thu tuỳ thuộc vào phạm vi áp dụng. Hiện nay, do yêu cầu của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, nhà nước còn ban hành thêm thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá (được ban hành bởi Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội). Thực chất đây là hai loại thuế bổ sung cho thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong những trường hợp có căn cứ cho rằng hàng hoá đó có trợ cấp của nhà nước hoặc có hành vi bán phá giá nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở đó giúp nhà nước hoạch định và thực thu chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quyền lợi của quốc gia và người đóng thuế.


2. Đặc trưng của thuế xuất, nhập khẩu

Xuất phát từ tính chất và chức năng của thuế xuất khẩu, nhập khẩu quy định đặc trưng của loại thuế này có sự khác biệt so với các loại thuế nội địa nhue thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập, thuế sử dụng đất.

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế của thuế xuất, nhập khẩu là các hàng hoá được phép vận chuyển qua biên giới Việt Nam. Chỉ có những hàng hoá được vận chuyển một cách hợp pháp qua biên giới Việt Nam mới là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Những trường hợp cần lưu ý:

– Hàng hoá đó có thể là hợp pháp ở nước ngoài nhưng không hợp pháp ở Việt Nam thì không là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

– Hàng hoá hợp pháp nhưng giao dịch không hợp pháp thì không là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

– Giao dịch hợp pháp nhưng hàng hoá không hợp pháp thì không là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ hai, hàng hoá chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải là hàng hoá được mang qua biên giới Nam

Hàng hoá là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải có một hành vi thực tế làm dịch chuyển hàng hoá đó qua biên giới Việt Nam thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho… Khái niệm đường biên giới trong thuế xuất khẩu, nhập khẩu không đồng nhất với khái niệm đường biên giới quốc gia trong công pháp quốc tế. Nó không đơn thuần như chúng ta thường nói trong đời sống hằng ngày: biên giới giữa Việt Nam và Lào, Campuchia, Trung Quốc. Biên giới trong pháp luật thuế là biên giới về mặt kinh tế. Bất cứ ở đâu, khi nào có sự phân định giữa nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế nước ngoài thì đó là biên giới được hiểu theo pháp luật thuế.

Thứ ba, thuế xuất, nhập khẩu vừa mang tính chất thuế gián thu vừa mang tính chất thuế trực thu. Sở dĩ thuế xuất khẩu, nhập khẩu có cả hai tính chất này là do mục đích của chủ thể nhập khẩu hàng hoá quyết định. Nếu như hàng hoá được nhập khẩu nhằm mục đích tiêu dùng thì khoản thuế đã nộp đó có tính chất là thuế trực thu, có nghĩa là đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế đồng nhất với nhau. Ngược lại, hàng hoá được nhập và bị đánh thuế ở khâu này nhưng lại bán số hàng hoá đó cho người khác thì tiền thuế nhập khẩu đã nộp đã chuyển sang cho người mua hàng chịu. Như vậy, đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế ở đây là khác nhau.

Thứ tư, thuế xuất khẩu, nhập khẩu có chức năng điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước.

Thứ năm, đối tượng nộp thuế xuất, nhập khẩu là những tổ chức, cá nhân có hành vi trực tiếp xuất, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới. Hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới phải là hành vi trực tiếp tác động làm hàng hoá đó dịch chuyển qua biên giới Việt Nam. Hành vi đó do đối tượng nộp thuế trực tiếp tác động và có nghĩa vụ nộp thuế hoặc uỷ quyền cho chủ thể khác có nghĩa vụ nộp thay.

Hình minh họa. khai-niem-dac-trung-va-vai-tro-cua-thue-xuat-khau-nhap-khau

3. Vai trò của thuế xuất, nhập khẩu

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là công cụ rất quan trọng để nhà nước thực hiện chính sách kinh tế của mình, quản lý các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Căn cứ vào từng giai đoạn lịch sử và điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi nước mà thuế quan được sử dụng với nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, ở góc độ chung nhất có thể nhận thấy rằng vai trò của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, việc đánh thuế xuất khẩu, nhập khẩu giúp nhà nước kiểm soát được số lượng, chất lượng và tác dụng của hàng hoá được xuất khẩu qua các nước nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu cũng như về vấn đề ngoại giao. Đồng thời kiểm soát được hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Thứ hai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Mục tiêu chung của các quốc gia là sử dụng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ðồng thời thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là loại thuế dễ thu nhất, ít bị phản ứng từ phía trong nước, thậm chí có khi còn được sự ủng hộ của nhiều người.

Thứ ba, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cấu thành trong giá cả hàng hoá, làm tăng giá hàng hoá, do đó có tác dụng điều tiết xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn tiêu dùng; bởi vì lượng hàng hoá xuất khẩu hay nhập khẩu phụ thuộc vào sức tiêu thụ hàng hoá, yếu tố này lại phụ thuộc vào giá cả. Giá cả hàng hoá cao hay thấp sẽ quyết định việc giảm hoặc tăng sức cạnh tranh của hàng hoá đó trên thị trường. Thông qua thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhà nước điều tiết việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá. Hơn nữa, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ hạn chế việc tiêu dùng hàng hoá xa xỉ hoặc các loại hàng hoá không được khuyến khích sử dụng như thuốc lá, rượu, bia…

Thứ tư, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có tác dụng bảo hộ nền sản xuất trong nước.Việc đánh thuế cao vào hàng hoá nhập khẩu sẽ giúp các nhà sản xuất trong nước có thể cạnh tranh được với hàng hoá nhập khẩu. Ðặc biệt thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giúp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các ngành còn non trẻ trong nước có thời gian trưởng thành và sinh lời để từ đó có thể cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu.

Thứ năm, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có tác dụng giảm bớt nạn thất nghiệp vì việc đánh thuế nhập khẩu cao thì hàng hoá nhập khẩu sẽ giảm; để bù vào lượng hàng hoá nhập khẩu đó nhà nước ta phải mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động từ đó góp phần giải quyết nạn thất nghiệp trong nước.

Thứ sáu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là công cụ để nhà nước thực hiện chính sách phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại đối với các nước. Chẳng hạn Mỹ đòi EU phải giảm từ 30 – 50% trợ cấp cho nông nghiệp, nếu không Mỹ sẽ tăng mức thuế đánh vào hàng hoá nông sản của EU nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Thứ bảy, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khuyến khích xuất khẩu và thu hút nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu trong cả nước.

Xem thêmChủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Xem thêmThuế giá trị gia tăng là gì? Vai trò của thuế GTGT

4.7/5 - (98 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap