Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thuế TNCN của VN
Tại Việt Nam, thực hiện chủ trương xây dựng một nền kinh tế mở, đa phương hoá, đa dạng hoá kinh tế đối ngoại, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời cho phép các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài thì việc đánh thuế trùng là hiện tượng phổ biến. Đánh thuế trùng được hiểu là việc hai hay nhiều quốc gia áp dụng một loại thuế trên cùng một khoản thu nhập hay tài sản chịu thuế của cùng một đối tượng nộp thuế trong cùng một kỳ tính thuế.
Việc đánh thuế trùng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, nó là rào cản đối với sự luân chuyển hàng hoá, vốn, công nghệ, lao động và thậm chí cản trở tiến trình toàn cầu hoá. Điều này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư mong muốn đầu tư ra bên ngoài, mặc dù các nước có các chính sách khuyến khích đầu tư.
Vì vậy, xuất phát từ lợi ích của quốc gia, giao lưu hợp tác với các nước trên thế giới, đồng thời chống trốn lậu thuế, các quốc gia tìm cách loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng việc ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần để giải quyết các vấn đề song phương, đa phương về thuế.
Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước thông thường có 30 điều bao gồm các vấn đề cơ bản sau:
1. Phạm vi áp dụng
Theo quy định của hiệp định gồm ba nội dung, đó là:
– Loại thuế áp dụng: Là loại thuế mang tính chất trực thu đánh trên thu nhập và tài sản.
– Đối tượng áp dụng: Tất cả các cá nhân, các công ty, xí nghiệp hoặc bất cứ tổ chức nào được coi là công ty, xí nghiệp là đối tượng chịu thuế quy định tại Luật thuế của Việt Nam và Hiệp định ký kết giữa Việt Nam với các nước.
– Phạm vi lãnh thổ áp dụng: Hiệp định chỉ áp dụng trong lãnh thổ Việt Nam và các nước ký kết hiệp định với Việt Nam.
2. Về định nghĩa
Những từ ngữ được giải thích trong Hiệp định để các bên có cách hiểu thống nhất, còn những từ ngữ chưa được giải thích tại Hiệp định được hiểu theo nội dung tuỳ vào ngữ cảnh cụ thể quy định tại Luật Việt Nam và các nước ký kết với Việt Nam.
3. Đối tượng cư trú
Theo quy định tại Hiệp định thì nhiều khoản thu nhập chịu thuế nước mà đối tượng cư trú hoặc có những khoản thu nhập chịu thuế ở cả hai nước nhưng đối với nước mà đối tượng đó không cư trú thì chỉ đánh thuế theo mức thuế suất giới hạn quy định tại Hiệp định.
– Đối tượng cư trú là một cá nhân và là đối tượng của hai nước Để xác định đối tượng cư trú là một cá nhân và là đối tượng của cả hai nước thì phải căn cứ vào các tiêu chuẩn sau: Cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam nếu cá nhân có nhà ở thường trú tại Việt Nam hoặc cá nhân đó có nhà ở thường trú cả hai nước nhưng ở Việt Nam có quan hệ cá nhân thân thuộc hơn và có quyền lợi kinh tế nhiều hơn hoặc nếu không xác định được các tiêu chuẩn trên nhưng thường xuyên sống ở Việt Nam.
Cá nhân là đối tượng cư trú của cả hai nước: Cá nhân đó sống thường xuyên ở cả hai nước hoặc không sống thường xuyên ở nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú của nước mà cá nhân đó mang quốc tịch. Trường hợp cá nhân đó mang quốc tịch của nước thứ ba thì Bộ tài chính Việt Nam và Bộ tài chính nước kia sẽ thông qua thoả thuận song phương xác định cụ thể cá nhân đó là đối tượng cư trú của nước nào.
– Đối tượng cư trú không phải là một cá nhân, xác định dựa trên cơ sở sau đây: Nếu đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh ở Việt Nam hoặc thành lập đăng ký kinh doanh ở cả hai nước nhưng có trụ sở điều hành thực tế ở Việt Nam là đối tượng cư trú của Việt Nam.
4. Biện pháp tránh đánh thuế hai lần
Bao gồm: phương pháp trừ thuế toàn bộ, phương pháp trừ thuế thông thường; phương pháp trừ thuế gián tiếp, phương pháp miễn thuế toàn phần, phương pháp miễn thuế luỹ tiến và phương pháp trừ khoán thuế. Ở Việt Nam, các Hiệp định ký kết với các nước thì Việt Nam áp dụng hai phương pháp sau:
– Phương pháp trừ thuế toàn bộ: Trường hợp một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở nước ký kết hiệp định với Việt nam, theo quy định khoản thu nhập đó phải nộp ở hai nước thì Việt Nam sẽ cho trừ vào số thuế phải nộp ở Việt Nam số thuế đã nộp ở nước ngoài. Tuy nhiên số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ đó không lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.
– Phương pháp khoán trừ thuế: Trường hợp một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở nước ký kết hiệp định với Việt Nam, theo quy định khoản thu nhập đó phải nộp ở cả hai nước nhưng theo quy định của pháp luật nước kia khoản thuế đó được miễn, giảm thuế thì Việt Nam cho trừ vào số thuế phải nộp ở Việt Nam.
Tuy nhiên số thuế đã nộp ở nước ngoài hoặc đáng lẽ phải nộp ở nước ngoài, việc áp dụng hai phương pháp trên để được trừ thuế đó không lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.
.5. Các quy định về phân chia quyền đánh thuế đối với từng khoản thu nhập
Thu nhập từ bất động sản: Trong các hiệp định đều có quy định tất cả các khoản thu nhập phát sinh từ việc trực tiếp sử dụng, cho thuê các loại bất động sản đều phải nộp thuế tại nước có bất động sản đó. Như vậy, nếu bất động sản ở Việt Nam thì mọi thu nhập phát sinh từ bất động sản đó đều phải nộp thuế tại Việt Nam không phân biệt người thực hưởng thu nhập đó có phải là người cư trú hay công ty đó có cơ sở thường trú ở Việt Nam hay không. Một công ty nước ngoài chỉ phải nộp thuế ở Việt Nam nếu như công ty đó có một cơ sở thường trú ở Việt Nam và số thuế thu nhập phải nộp ở Việt Nam chỉ được tính trên số thu nhập mà cơ sở thường trú đó mang lại cho công ty nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định thu nhập cho một cơ sở thường trú gặp khó khăn, do đó nội dung của Điều 7 trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký giữa Việt Nam với các nước thường có các quy định khác với nguyên tắc nói trên. Chẳng hạn, có thể phân bổ thu nhập của công ty nước ngoài cho cơ sở thường trú tại Việt Nam dựa trên một tiêu thức nào đó dễ xác định như doanh thu, số lao động… Trong trường hợp cơ sở thường trú không cung cấp đủ các cơ sở chính xác việc quản lý thu thuế thì có thể áp dụng theo phương pháp khác như là áp dụng một tỉ lệ thuế thu nhập tính trên doanh thu…
Thu nhập của một công ty hàng không hoặc công ty tàu biển có được từ vận tải quốc tế chỉ phải nộp thuế ở nước mà công ty đó là đối tượng cư trú hoặc ở nước mà công ty đó có trụ sở điều hành thực tế.
“Lợi tức cổ phần” “Lãi từ tiền cho vay” và “Tiền bản quyền” thì Việt Nam và nước ký kết Hiệp định có quyền đánh thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần, lãi từ tiền cho vay và tiền bản quyền theo nguyên tắc đánh thuế tại nguồn. Ngoài nội dung trên, các Hiệp định còn quy định thuế suất giới hạn áp dụng cho mỗi nước trong trường hợp đối tượng nhận là đối tượng thực hưởng, có nghĩa là đối với các khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần, lãi từ tiền cho vay tiền bản quyền thì các nước có quyền đánh thuế đối với những khoản thu nhập đó phát sinh ở nước mình nhưng việc đánh thuế trong trường hợp đó không quá thuế suất đã ghi trong Hiệp định. Trong các Hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước thuế suất giới hạn thường là 10%.
– Các khoản tiền lương, tiền công và các khoản thù lao mang tính chất tiền lương, tiền công sẽ phải nộp thuế ở cả hai nước nếu người đó thuộc một trong ba trường hợp sau đây:
+ Có mặt ở nước kia hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng liên tục;
+ Trường hợp người đó có mặt ở nước kia dưới 183 ngày nhưng chủ lao động hoặc đại diện chủ lao động trả lương và tiền công cho người đó là một đối tượng cư trú của nước kia;
+ Người đó có mặt ở nước kia dưới 183 ngày nhưng tiền lương và tiền công do cơ sở thường trú hoặc cơ sở kinh doanh cố định mà chủ lao động có tại nước kia trả.
Ngoài ra, các khoản thù lao và các khoản thanh toán tương tự do một công ty, xí nghiệp hay bất cứ một tổ chức tương tự nào là đối tượng cư trú của nước này trả cho cá nhân là người cư trú của nước kia do đã tham gia làm giám đốc hoặc thành viên ban giám đố của công ty trả thù lao thì có thể đánh thuế ở cả hai nước.
Thu nhập của vận động viên và nghệ sĩ: Một nghệ sĩ hay một vận động viên của nước này sang nước kia biểu diễn thi thu nhập phát sinh từ hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên đó tại nước kia có thể bị đánh thuế ở cả hai nước, kể cả trường hợp thu nhập phát sinh tại nước kia dược trả trực tiếp cho nghệ sĩ, vận động viên hay trả gián tiếp thông qua đối tượng khác như công ty tổ chức biểu diễn hay các tổ chức đăng cai. Nếu một nghệ sĩ hay vận động viên của nước thứ nhất sang nước kia biểu diễn nhưng kinh phí biểu diễn kể cả thù lao cho nghệ sĩ hay vận động viên do chính quyền các cấp của nước thứ nhất đài thọ thì thu nhập của nghệ sĩ và vận động viên đó chỉ phải nộp thuế ở nước thứ nhất.
Thu nhập của sinh viên và thực tập sinh: Sinh viên hay thực tập sinh là đối tượng cư trú của nước thứ nhất sang nước kia chỉ với mục đích là học tập sẽ được miễn thuế ở nước kia đối với khoản tiền mà người sinh viên hoặc thực tập sinh đó nhận được từ nguồn ngoài nước kia phục vị cho sinh hoạt và học tập tại nước kia hoặc một số tiền nhất định hàng năm quy định trong Hiệp định, sinh viện hoặc thực tập sinh đó thu được từ việc làm công tại nước kia với điều kiện việc làm công đó phải liên quan trực tiếp đến việc học tập của sinh viên hay thực thực tập sinh.
Các khoản lương hưu và tiền công trả cho một cá nhân làm công việc phục vụ cho nhà nước này tại nước kia chỉ bị đánh thuế ở một nước theo nguyên tắc: Nếu là tiền công, chỉ phải nộp thuế ở nước mà cá nhân đó vừa là đối tượng cư trú vừa mang quốc tịch hoặc cá nhân đó tuy không mang quốc tịch nhưng có thực hiện tại nước đó những công việc khác. Nếu là tiền lương hưu, sẽ phải nộp thuế ở nước mà cá nhân đó vừa mang quốc tịch vừa là đối tượng cư trú.
Ngoài những khoản thu nhập trên, các khoản thu nhập khác chưa đề cập trong Hiệp định thì chỉ phải nộp thuế ở nước mà người đó là công dân.
6. Quy định Hiệp định có hiệu lực thi hành, ngày kết thúc Hiệp định
Trong Hiệp định quy định ngày có hiệu lực của Hiệp định là từ ngày đầu của năm tiếp theo năm dương lịch hoặc năm tài chính mà cả hai bên ký kết đã làm xong các thủ tục phê duyệt hoặc phê chuẩn Hiệp định. Hiệp định có hiệu lực vô thời hạn, nhưng sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực thi hành từng nước có thể kết thúc Hiệp định bằng cách thông báo cho nước ký kết kia thông qua đường ngoại giao văn bản thông báo kết thúc hiệp định.
Xem thêm: Nguyên tắc điều chỉnh quan hệ ký kết, thực hiện điều ước quốc tế