Thuế giá trị gia tăng là gì? Vai trò của thuế GTGT

0 479

1. Khái niệm thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là một dạng của thuế bán hàng. Tại một số quốc gia, như: Australia, Canada, New Zealand, Singapore thì thuế này được gọi là “goods and services tax” (viết tắt GST) nghĩa là thuế hàng hóa và dịch vụ; còn tại Nhật Bản thì nó được biết đến dưới tên gọi “thuế tiêu thụ”. Thuế GTGT là một loại thuế gián thu, được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, mặc dù chủ thể đem nộp thuế cho cơ quan thu là các doanh nghiệp. Do thuế GTGT có mục đích là một khoản thuế đối với việc tiêu thụ, cho nên hàng xuất khẩu (theo định nghĩa này thì người tiêu dùng ở nước ngoài) thường không phải chịu thuế thuế GTGT hoặc cách khác, thuế GTGT đối với người xuất khẩu được hoàn lại. Người tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể được hoàn lại thuế GTGT khi mua hàng, nhưng các doanh nghiệp thì có thể được hoàn lại thuế GTGT đối với nguyên vật liệu và dịch vụ mà họ mua để tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ tiếp theo để trực tiếp hay gián tiếp bán cho người sử dụng cuối. Theo cách này, tổng số thuế phải thu ở mỗi công đoạn trong dây chuyền kinh tế là một tỷ lệ cố định đối với phần giá trị gia tăng được công đoạn kinh doanh thêm vào trong sản phẩm, và phần lớn chi phí trong phần thu thuế được sinh ra bởi việc kinh doanh chứ không phải bởi nhà nước.

Thuế GTGT được một nhà kinh tế học người Pháp là Maurice Lauré nghĩ ra và Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ban hành và áp dụng Luật thuế giá trị gia tăng vào năm 195439. Thuế giá trị gia tăng theo tiếng Pháp gọi là: Taxe Sur La Valeur Ajoutée (viết tắt là TVA), tiếng Anh gọi là Value Added Tax (viết tắt là VAT), dịch ra tiếng Việt là thuế GTGT. Khai sinh từ nước Pháp, thuế GTGT đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La Tinh và một số quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam đã chính thức áp dụng thuế giá trị gia tăng. Tính đến nay đã có khoảng 130 quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng.

Ở Việt Nam, trước năm 1989 – 1990 áp dụng chế độ thuế doanh thu đối với khu vực kinh tế tập thể và cá thể. Ngày 30 tháng 6 năm 1990 thuế doanh thu ra đời thu và sản phẩm dịch vụ của tất cả cơ sở kinh doanh. Sau gần 10 năm áp dụng, chính sách thuế doanh thu đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế: như tính trùng lắp của thuế, thuế đánh chồng lên thuế và với 11 mức thuế suât khác nhau… Vi vậy, tại kỳ họp lần thứchỗ Quốc hội khoá 9, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật thuế giá trị gia tăng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1999 thay cho thuế doanh thu, về cơ bản khắc phục được những nhược điểm trên của thuế doanh thu. Đó là thuế GTGT áp dụng có một số ưu điểm:

– Thuế GTGT khắc phục sự trùng lắp của thuế doanh thu: vì thuế giá trị gia tăng chỉ đánh trên phần giá trị tăng thêm qua các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ.

– Diện thu rộng, tạo nguồn thu ổn định: Thuế giá trị gia tăng đánh hầu như các mặt hàng, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ chỉ trừ một số mặt hàng theo phương thức loại trừ tuỳ thuộc từng thời điểm và tuỳ thuộc vào các quốc gia quy định. Số thu từ thuế GTGT. Số thu về thuế GTGT trong tổng số thu thuế vào khoảng 3%- 4% GDP ở hầu hết các nước40. Ở Việt Nam, năm 2010 số thu từ thuế GTGT khoảng 7,84%GDP, năm 2011 là 8,,59%GDP. Chỉ tính riêng năm 2011, sô thu từ thuế GTGT chiếm tới 32,54% tổng số thu từ thuế41. Đồng thời tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước vì nếu giá bán hàng hoá hay giá cung ứng cho người tiêu dùng cuối cùng không thay đổi thì tổng số thuế thu được ở mỗi khâu sẽ bằng số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

– Thúc đẩy chế độ hạch toán, kế toán, chế độ hoá đơn chứng từ: áp dụng chính sách thuế GTGT đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hoá đơn chứng từ vì đây là cơ sở đảm bảo cho chủ thể tham gia trong quan hệ này được khấu trừ và hoàn thuế, tạo nề nếp trong quan hệ chứng từ kế toán và một cơ chế pháp lý thống nhất thuận tiện cho việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh.

– Khắc phục tình trạng thông đồng thuế giữa các khâu kinh doanh: do tính chất gián thu và khấu trừ trong thuế GTGT nên nếu có sự thông đồng về thuế thì chủ thể thông đồng phải gánh chịu nghĩa vụ thuế thay.

– Khuyến khích xuất khẩu: với việc áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hoá xuất khẩu, có nghĩa là hàng hoá khi xuất khẩu nếu chịu thuế ở khâu đầu vào thì được hoàn trả lại phần thuế này.

Như vậy, thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh trên phần giá trị tăng thêm qua mỗi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, tổng số thuế thu được ở mỗi khâu chính bằng số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

Hình minh họa. Thuế giá trị gia tăng là gì? Vai trò của thuế GTGT

2. Vai trò của thuế giá trị gia tăng

Thuế là công cụ rất quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế. Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, do đó thuế giá trị gia tăng có vai trò rất quan trọng, được thể hiện ở các phương diện:

– Tạo nguồn thu lớn và ổn định cho NSNN: Thuế giá trị gia tăng thuộc loại thuế gián thu và được áp dụng rộng rãi đối với mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng sản phẩm hàng hoá hoặc được cung ứng dịch vụ. Việc áp dụng thuế GTGT sẽ mang lại nguồn thu lớn cho NSNN. Mặt khác, thuế GTGT đánh trên phần giá trị tăng thêm qua mỗi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh nếu giá bán cho người cuối cùng không thay đổi nên tạo được nguồn thu ổn định cho NSNN.

– Quản lý hiệu quả tránh thất thu NSNN và khuyến khích sản xuất cho xuất khẩu: Thuế tính trên giá bán hàng hoá hoặc giá dịch vụ nên không phải đi sâu xem xét, phân tích về tính hợp lý, hợp lệ của các khoản chi phí, làm cho việc tổ chức quản lý thu tương đối dễ dàng hơn các loại thuế trực thu.

Ðối với hàng xuất khẩu, không những không nộp thuế giá trị gia tăng mà còn được khấu trừ hoặc được hoàn lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào nên có tác dụng giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu có thể cạnh tranh thuận lợi trên thị trường quốc tế.

– Bảo hộ sản xuất kinh doanh đối với hàng trong nước: Thuế giá trị gia tăng cùng với thuế nhập khẩu làm tăng giá vốn đối với hàng nhập khẩu.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống thất thu thuế đạt hiệu quả cao. Việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng được thực hiện căn cứ trên hoá đơn mua vào đã thúc đẩy người mua phải đòi hỏi người bán xuất hoá đơn, ghi doanh thu đúng với hoạt động mua bán; khắc phục được tình trạng thông đồng giữa người mua và người bán để trốn lậu thuế. Ở khâu bán lẻ thường xảy ra trốn lậu thuế. Người tiêu dùng không cần đòi hỏi hoá đơn, vì đối với họ không còn xảy ra việc khấu trừ thuế. Tuy vậy, ở khâu bán lẻ cuối cùng, giá trị tăng thêm thường không lớn, số thuế thu ở khâu này không nhiều.

– Thuế giá trị gia tăng thường có ít thuế suất, bảo đảm sự đơn giản, rõ ràng. Với ít thuế suất, loại thuế này mang tính trung lập, vì về cơ bản không can thiệp sâu vào mục tiêu khuyến khích hay hạn chế sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng, theo ngành nghề cụ thể; không gây phức tạp trong việc xem xét từng mặt hàng, ngành nghề có thuế suất chênh lệch nhau nhiều.

– Nâng cao được tính tự giác trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người nộp thuế. Thông thường, trong chế độ kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh tự kiểm tra, tính thuế, kê khai và nộp thuế. Từ đó, tạo tâm lý và cơ sở pháp lý cho đơn vị kinh doanh không phải hiệp thương, thoả thuận về mức doanh thu, mức thuế với cơ quan thuế. Việc kiểm tra thuế giá trị gia tăng cũng có mặt thuận lợi vì đã buộc người mua, người bán phải nộp và lưu giữ chứng từ, hoá đơn đầy đủ nên việc thu thuế tương đối sát với hoạt động kinh doanh từ đó tập trung được nguồn thu thuế giá trị gia tăng vào NSNN ngay từ khâu sản xuất và thu thuế ở khâu sau còn kiểm tra được việc tính thuế, nộp thuế ở khâu trước nên hạn chế thất thu về thuế.

– Tăng cường công tác hạch toán kế toán và thúc đẩy việc mua bán hàng hoá có hoá đơn chứng từ; việc tính thuế đầu ra được khấu trừ số thuế đầu vào là biện pháp kinh tế góp phần thúc đẩy cả người mua và người bán cùng thực hiện tốt hơn chế độ hoá đơn, chứng từ.

– Góp phần hiện đại hoá, chuyên môn hoá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh: Việc khấu trừ thuế đã nộp ở đầu vào có tác dụng khuyến khích hiện đại hoá, chuyên môn hoá sản xuất, tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị mới để hạ giá thành sản phẩm.

– Góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế: Thuế giá trị gia tăng được ban hành gắn liền với việc sửa đổi, bổ sung một số loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu… góp phần làm cho hệ thống chính sách thuế của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường, tương đồng với hệ thống thuế trong khu vực và trên thế giới, góp phần đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nhìn chung trong các loại thuế gián thu, thuế giá trị gia tăng được coi là phương pháp thu tiến bộ nhất hiện nay, được đánh giá cao do đạt được các mục tiêu lớn của chính sách thuế như tạo được nguồn thu lớn cho NSNN, đơn giản, trung lập… Tuy nhiên, trong thời gian đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và Nhà nước ta đã từng bước tháo gỡ những khó khăn đó trong quá trình thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng.

Xem thêmKhái niệm, đặc điểm thuế giá trị gia tăng (GTGT)

4.9/5 - (98 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap