1. Biện pháp tư pháp là gì?
Để có thể hiểu rõ, nắm bắt các quy định của Luật hình sự về các Biện pháp tư pháp, trước tiên chúng ta cần đưa ra khái niệm biện pháp tư pháp là gì? Nó có đặc điểm như thể nào? Xét quy định của Luật hình sự từ Bộ luật năm 1985 cho đến nay, các nhà lập pháp không đưa ra khái niệm cụ thể mà chỉ đi thẳng vào vấn đề là quy định từng biện pháp tư pháp. Mặc dù không quy định nhưng thông qua từng biện pháp cụ thể, chúng ta có thể khái quát như sau: Biện pháp tư pháp là một chế tài được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, áp dụng đối với người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm ngăn chặn họ tiếp tục thực hiện hành vi.
Thông qua khái niệm này, chúng ta đưa ra được đặc điểm của biện pháp tư pháp như sau:
– Chủ thể thực hiện: Vì đây là các biện pháp mang tính cưỡng chế nên chỉ có các Cơ quan tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền áp dụng mà không có bất kỳ cơ quan, cá nhân nào được tùy nghi áp dụng.
– Đối tượng bị áp dụng: Là người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
– Mục đích: Ngăn chặn việc tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có quan điểm cho rằng việc áp dụng biện pháp tư pháp còn có mục đích giáo dục người bị áp dụng trở thành công dân có ích cho xã hội hay nói cách khác giúp họ nhận thức được sai lầm của mình. Xuyên suốt Bộ luật hình sự qua các thời kỳ thì chức năng của nó vẫn không thay đổi đó là trừng phạt và giáo dục người phạm tội. Tuy nhiên theo nhận định của tác giả, việc áp dụng các biện pháp tư pháp chưa thực sự làm nổi bật được chức năng giáo dục như một số quan điểm đã nêu vì các biện pháp này chủ yếu tác động đến vật, tiền hoặc các lợi ích có được từ việc phạm tội nên ý nghĩa giáo dục của nó cũng bị lu mờ.

2. Biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi là một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó:
– Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
– Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Một người hoặc pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội, bên cạnh phải chịu hình phạt được quy định tại Chương VI Bộ luật này thì họ còn phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm về dân sự đối với bị hại. Trong một vụ án hình sự bất kỳ, luôn luôn có sự song hành giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự trừ trường hợp trách nhiệm dân sự được tách ra thành một vụ việc riêng. Đây chính là cơ chế, quy định thể hiện sự cam kết và bảo vệ đến cùng của Nhà nước khi có một hành vi xâm phạm các mối quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ. Một hành vi phạm tội không chỉ tác động đến một quan hệ xã hội mà nó có thể tác động đến nhiều quan hệ cùng lúc do vậy đã đặt ra nhiều trách nhiệm liên quan mà người phạm tội phải gánh chịu. Vì vậy ngoài việc bị áp dụng hình phạt, người phạm tội còn phải:
Hoàn trả tài sản đã chiếm đoạt: Chiếm đoạt ở đây được hiểu là người phạm tội có được tài sản này một cách bất hợp pháp, ngoài ý chí của bị hại. Do vậy các tài sản này phải được hoàn trả khi xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trong trường hợp, bằng các biện pháo khác nhau mà không thể xác định được người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tài sản này sẽ được tịch thu, sung quỹ Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật dân sự.
Sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất: Việc hoàn trả tài sản nêu trên chỉ được xem xét khi tài sản đó còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng. Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu này, bắt buộc người phạm tội phải thực hiện việc sửa chữa để khắc phục, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản, tất nhiên tình trạng ban đầu này cũng phải đảm bảo tính giá trị của tài sản. Nếu tài sản đó không thể sửa chữa, không đảm bảo được giá trị ban đầu hoặc không còn thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại vật chất cho bị hại. Việc bồi thường có thể được quy đổi bằng tiền hoặc khi có sự chấp thuận của người phạm tội và bị hại thì việc bồi thường cũng có thể được thực hiện bằng một tài sản khác có giá trị tương đương.
Bên cạnh việc phải hoàn trả tài sản, sửa chữa, bồi thường thiệt hại vật chất thì pháp luật hình sự còn buộc người phạm tội có trách nhiệm nếu gây ra thiệt hại về tinh thần. Nếu như trước đây Bộ luật hình sự 1985 chỉ đặt ra vấn đề tổn thất về tinh thần đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng thì đến Bộ luật hình sự 1999, 2015 quy định này đã bị loại bỏ. Đồng thời Bộ luật hình sự 1985 cũng chỉ nêu trách nhiệm xin lỗi công khai mà không có bất kỳ việc bồi thường thiệt hại vật chất nào. Xét thấy, quy định này là hoàn toàn không phù hợp bởi lẽ các thiệt hại về tinh thần của bị hại đâu chỉ xảy ra đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng mà nó có thể xảy ra ở mọi loại tội phạm mà mức độ thiệt hại còn có thể gia tăng theo mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Điều này đồng nghĩa với việc hành vi càng nguy hiểm, hậu quả xảy ra càng lớn thì mức độ tác động đến tinh thần của bị hại cũng gia tăng theo. Do vậy với việc điều chỉnh quy định của pháp luật hình sự, theo đó bất kỳ hành vi phạm tội mà gây thiệt hại về tinh thần thì người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường bằng một khoản vật chất, đồng thời trong từng trường hợp, loại tội danh mà còn xem xét áp dụng chế tài buộc xin lỗi công khai.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung