Sau khi nhận biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm sẽ nhận được quyết định xử phạt hành chính theo quy định. Vậy thời gian ra quyết định xử phạt hành chính là bao lâu?
1. Thời hạn gửi quyết định xử phạt hành chính là bao lâu?
Căn cứ vào khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (sửa đổi Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) quy định về thời gian ra quyết định xử phạt hành chính như sau:
-
Thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
-
Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
-
Đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Như vậy, thời gian ra quyết định xử phạt hành chính thông thường là 07 ngày làm việc tính từ ngày lập biên bản xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, thời hạn gửi quyết định xử phạt hành chính còn tùy thuộc vào sự việc có cần chuyển hồ sơ đến nơi có thẩm quyền xử lý; Cần giải trình hoặc xác minh các tình tiết liên quan; Thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp,…
Trong đó thời hạn gửi quyết định xử phạt có thể lên đến 02 tháng tính từ ngày lập biên bản xử phạt hành chính.
2. Nội dung quyết định xử phạt hành chính gồm những gì?
Căn cứ Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
-
Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;
-
Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;
-
Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có);
-
Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
-
Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
-
Hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
-
Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;
-
Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
-
Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
-
Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;
-
Họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.
Việc đảm bảo nội dung của quyết định xử phạt hành chính có vai trò quan trọng, giúp người nhận và người thi hành quyết định nắm đầy đủ thông tin cần thiết, có đủ cơ sở để tiến hành xử phạt.
3. Các hình thức nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Căn cứ vào khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:
-
Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
-
Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
-
Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là:
-
Hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
-
Thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam;
-
Thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
-
Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Có thể thấy, theo quy định hiện nay có nhiều hình thức nộp phạt hành chính như: Nộp tiền trực tiếp tại kho bạc hoặc nộp trực tiếp tại tại ngân hàng được kho bạc nhà nước ủy quyền; Chuyển khoản hoặc nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền; Nộp qua bưu điện,…
Việc đa dạng cách thức nộp phạt giúp người dân thuận tiện và hạn chế được vấn đề nộp phạt muộn.
4. Thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính như sau:
Bước 1: Người nộp phạt có thể nộp theo các hình thức như: Nộp phạt trực tiếp, nộp qua bưu điện, chuyển khoản,…
Lưu ý: Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Bước 2: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp.
Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả;
Bước 4: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Như vậy, người vi phạm hành chính có thể thực hiện thủ tục nộp phạt như trên. Người bị tạm giữ giấy tờ để phục vụ cho việc điều tra sẽ được trả lại theo quy định.