Xe máy chạy quá tốc độ không chỉ gây nguy hiểm với người điều khiển phương tiện mà còn gây mất an toàn cho cả người tham gia giao thông khác. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt quá tốc độ xe máy có thể lên đến 5 triệu đồng.
1. Lỗi chạy quá tốc độ xe máy là gì?
Lỗi chạy quá tốc độ là lỗi điều khiển phương tiện vượt quá mức tốc độ tối đa cho phép. Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ tối đa của xe máy ở đường trong khu vực đông dân cư như sau:
- Đường đôi (đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách giữa) và đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên: 60km/h.
- Đường 2 chiều (đường có cả 2 chiều đi và về trên cùng một phần đường chạy xe, không được phân biệt bằng giải phân cách giữa), đường 1 chiều có 1 làn xe cơ giới: 50km/h.
Việc điều khiển xe máy chạy quá tốc độ sẽ làm giảm khả năng ứng biến của người lái xe trước các tình huống bất ngờ, gia tăng nguy cơ gây ra tai nạn cho bản thân, người ngồi sau cũng như những người tham gia giao thông khác.
Pháp luật đã đưa ra các quy định cụ thể về tốc độ mà mỗi loại phương tiện khác nhau phải chấp hành để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
2. Mức phạt quá tốc độ xe máy
Theo Luật Giao thông đường bộ, người lái xe máy cần tuân thủ nghiêm túc quy định về tốc độ khi tham gia giao thông, nghiêm cấm hành vi chạy vượt quá tốc độ cho phép.
Chạy quá tốc độ xe máy phạt bao nhiêu? Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức phạt quá tốc độ xe máy cụ thể như sau:
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP | Số km chạy quá tốc độ | Mức phạt |
Điểm c khoản 2 Điều 6 | Từ 5 – dưới 10 km/h | Từ 200.000 – 300.000 đồng |
Điểm a khoản 4 Điều 6 | Từ 10 – 20 km/h | Từ 600.000 – 1.000.000 đồng |
Điểm a khoản 7 Điều 6 Điểm c khoản 10 Điều 6 | Trên 20km/h | Từ 4.000.000 – 5.000.000 đồng Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng |
3. Hình thức phạt bổ sung lỗi xe máy chạy quá tốc độ
Bên cạnh mức phạt lỗi quá tốc độ xe máy là tiền thì người tham gia giao thông còn chịu thêm các hình thức phạt bổ sung căn cứ theo các lỗi được quy định tại khoản 10, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Lỗi xe máy, mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ | Hình thức phạt bổ sung |
Xe không được ưu tiên lắp đặt, sử dụng các thiết bị phát tín hiệu của xe được ưu tiên (theo điểm g, khoản 2). | Tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. |
– Chở quá ba người trên xe. – Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường và không tham gia cấp cứu người bị nạn. – Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu cấm đi vào đối với các loại phương tiện đang điều khiển. – Vượt xe trong hầm đường bộ sai nơi quy định và quay đầu xe trong hầm đường bộ. – Không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. – Không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. – Người điều khiển xe máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính). – Người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều và đường có biển báo “Cấm đi ngược chiều”. | Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. |
– Điều khiển xe chạy quá tốc độ trên 20 – 35 km/h. – Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông. – Điều khiển xe lạng lách, đánh võng, dùng chân điều khiển tay lái khi đang chạy trên đường, chạy đuổi nhau trên đường bộ. – Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. – Điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 – 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 – 0,4 mg/1l khí thở. | Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 – 5 tháng và tịch thu phương tiện di chuyển. |
Tái vi phạm các điều khoản trên. | Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng. |
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1l khí thở. | Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 – 12 tháng. |
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h. | Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 – 18 tháng. |
– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ. – Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. – Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. | Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng. |
4. Kinh nghiệm lái xe máy an toàn
Để hạn chế bị xử phạt vi phạm tốc độ xe máy và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển phương tiện nên nắm chắc các kỹ năng lái xe dưới đây để có thể chủ động trước mọi tình huống khi tham gia giao thông.
4.1. Luôn quan sát mỗi khi lái xe
Người điều khiển phương tiện cần cẩn thận quan sát khi di chuyển trên đường, trong những đoạn đường nhỏ hẹp hoặc có nhiều khúc cua để có thể làm chủ được các tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng thời, người lái cần giữ phanh xe để có thể kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.
4.2. Giữ tốc độ phù hợp với tình trạng giao thông
Lưu thông với tốc độ phù hợp sẽ giúp người lái có thể làm chủ các tình huống trên đường. Ngoài ra, người điều khiển chỉ nên tăng tốc khi di chuyển trên đoạn đường vắng và cần lưu ý giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước.
4.3. Đi đúng cấp số
Đối với xe số/xe côn, người lái không nên điều khiển xe máy ở số 1 hoặc số 2 bởi điều này có thể làm động cơ xe hoạt động thiếu ổn định và kìm hãm tốc độ của bánh xe. Do đó, việc đi đúng cấp số không chỉ giúp người tham gia giao thông lái xe an toàn mà còn giúp tăng tuổi thọ cho xe.
4.4. Nắm rõ các biển báo và dấu hiệu giao thông
Khi tham gia giao thông trên đường, người điều khiển xe máy có thể gặp phải rất nhiều tình huống không ngờ tới. Do đó, người lái cần tập trung điều khiển xe và biết cách nhận biết các dấu hiệu xi nhan, biển báo đường, vạch chỉ đường,… để làm chủ trong mọi tình huống.
4.5. Giữ khoảng cách an toàn
Giữ khoảng cách an toàn là một trong những kinh nghiệm chạy xe máy mà người lái cần nắm rõ, đặc biệt là khi di chuyển trên đường quốc lộ và đường lớn. Giữ khoảng cách với xe phía trước giúp người tham gia giao thông xử lý nhanh các tình huống xảy ra như phanh gấp, ổ gà,…
4.6. Không tạt ngang đầu xe ô tô
Việc cắt đầu xe hơi khi điều khiển xe máy gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt khi người lái xe ô tô đạp nhầm chân ga hay phanh không kịp. Do đó, người lái xe máy không nên tạt đầu xe ô tô trong bất kỳ tình huống nào.
4.7. Đi đúng chiều, làn đường
Người điều khiển xe máy tuyệt đối không đi ngược chiều hay đi sai làn đường quy định. Việc lái xe đi ngược chiều, lấn làn có thể gây ra nhiều sự cố như tắc nghẽn giao thông hay nghiêm trọng hơn là xảy ra tai nạn.
4.8. Không bật đèn pha khi đi trong đô thị
Bật đèn pha khi di chuyển trong đô thị sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ánh sáng đèn pha của xe sẽ làm chói mắt, gây mất phương hướng cho người lái xe ngược chiều và có thể vô tình gây ra tai nạn cho người khác.