Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được nhà nước đảm bảo thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm đạt được mục đích nhất định. Việc phân loại quy phạm pháp luật có thể dựa vào một số căn cứ cụ thể sau:
1. Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh
Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh có thể chia quy phạm pháp luật thành các nhóm thuộc các ngành luật khác nhau như quy phạm pháp luật ngành luật Hiến pháp, quy phạm pháp luật ngành luật Dân sự, quy phạm pháp luật ngành luật Hành chính…
2. Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh
Căn cứ vào hình thức mệnh lệnhquy phạm pháp luật có thể được chia thành quy phạm pháp luật dứt khoát, quy phạm pháp luật tùy nghi (không dứt khoát) và quy phạm pháp luật hướng dẫn.
– Quy phạm pháp luật dứt khoát đưa ra các chỉ dẫn có tính rõ ràng, chặt chẽ.
– Quy phạm pháp luật tùy nghi (không dứt khoát) cho phép các chủ thể được lựa chọn cách xử sự phù hợp với những quy định của pháp luật.
– Quy phạm pháp luật hướng dẫn đưa ra những hướng dẫn cụ thể để các chủ thể có thể tự giải quyết các công việc nhất định.
3. Căn cứ vào cách thức xử sự
Căn cứ vào cách thức xử sự quy phạm pháp luật có thể được phân loại thành quy phạm pháp luật ngăn cấm, quy phạm pháp luật bắt buộc và quy phạm pháp luật cho phép.
– Quy phạm pháp luật ngăn cấm yêu cầu chủ thể cấm không được thực hiện một số hành vi cụ thể nào đó.
– Quy phạm pháp luật bắt buộc yêu cầu các chủ thể buộc phải thực hiện một số hành vi nhất định.
– Quy phạm pháp luật cho phép, cho phép chủ thể được tự mình thực hiện các xử sự mà pháp luật đã ghi nhận cho chủ thể đó.
4. Căn cứ vào nội dung và tác động của quy phạm pháp luật
Căn cứ vào nội dung và tác động của quy phạm pháp luật có thể phân loại quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật nội dung và quy phạm pháp luật hình thức.
– Quy phạm pháp luật nội dung xác định quyền, nghĩa vụ cụ thể của các chủ thể.
– Quy phạm pháp luật hình thức lại xác định trình tự, thủ tục từ đó các chủ thể có thể thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của mình hoặc tiến hành áp dụng pháp luật và truy cứu trách nhiệm pháp lý.