Quan hệ pháp luật là gì? Đặc điểm của quan hệ pháp luật

0 5.173

1. Quan hệ pháp luật là gì?

Trong đời sống xã hội, các thành viên của xã hội luôn có những mối liên hệ nhất định với nhau bởi đó là nhu cầu tất yếu của con người. Các quan hệ giữa người với người hình thành trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống tạo nên sự đa dạng của các quan hệ xã hội (quan hệ trong lao động sản xuất, quan hệ trong kinh doanh buôn bán, quan hệ trong sinh hoạt tiêu dùng, quan hệ trong sinh hoạt chính trị, quan hệ trong gia đình…), đồng thời cũng đòi hỏi sự xuất hiện của nhiều loại quy tắc xử sự để điều chỉnh hành vi của các bên tham gia quan hệ (chẳng hạn như: quy phạm đạo đức, tín điều tôn giáo, quy ước của phong tục tập quán…). Khi nhà nước và pháp luật ra đời và tồn tại trong xã hội loài người, các quy phạm pháp luật cũng là một trong những quy chuẩn quan trọng để điều chỉnh xử sự của các bên chủ thể trong nhiều quan hệ xã hội.

Thực tiễn của đời sống xã hội cho thấy, các quan hệ xã hội có thể cùng một lúc có sự tác động và điều chỉnh của nhiều loại quy phạm xã hội. Chẳng hạn một quan hệ kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh nhất định có thể cùng một lúc chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật về kinh doanh, các quy chuẩn đạo đức trong kinh doanh, các tập quán kinh doanh thương mại… Tuy nhiên, một khi quy phạm pháp luật đã tác động lên các quan hệ xã hội nhất định thì các bên tham gia quan hệ đó phải có những xử sự phù hợp với trật tự xã hội mà nhà nước mong muốn bởi lẽ các quy phạm pháp luật được dùng để tác động và điều chỉnh các quan hệ xã hội là do nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của nhà nước và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Khi đó, các bên tham gia quan hệ xã hội sẽ thực hiện những hành vi xử sử mà các quy phạm pháp luật đã đề ra và trở thành các chủ thể mang quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Những quan hệ xã hội như vậy được gọi là quan hệ pháp luật.

Như vậy, dưới khía cạnh pháp lý, quan hệ pháp luật là một dạng đặc biệt của quan hệ xã hội bởi sự hình thành, tồn tại và thay đổi của những quan hệ này luôn có sự tác động và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Khái niệm về quan hệ pháp luật có thể được hiểu như sau: Quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở các quy phạm pháp luật, theo đó các bên tham gia quan hệ thực hiện các hành vi xử sự theo quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể mà nhà nước đã quy định và đảm bảo thực hiện.

Hình minh họa. Quan hệ pháp luật là gì? Đặc điểm của quan hệ pháp luật

2. Các đặc điểm đặc trưng cơ bản của quan hệ pháp luật

Với cách hiểu như trên về quan hệ pháp luật, loại quan hệ này có những đặc điểm đặc trưng cơ bản sau:

2.1. Quan hệ pháp luật là loại quan hệ xã hội không những thể hiện ý chí của các bên trong quan hệ, mà còn thể hiện ý chí của nhà nước

Cũng giống như các quan hệ xã hội thông thường khác, quan hệ pháp luật được hình thành thông qua các hoạt động có ý chí của các chủ thể. Tuy nhiên, do quan hệ pháp luật là loại quan hệ có sự tác động và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật, cho nên hành vi xử sự của các bên trong quan hệ pháp luật còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quy định của các quy phạm pháp luật. Sở dĩ các quy tắc xử sự của pháp luật luôn thể hiện ý chí của nhà nước và bắt buộc phải thực hiện, cho nên ý chí nhà nước luôn phải được thể hiện trong việc hình thành và tồn tại của các quan hệ pháp luật.

2.2. Quan hệ pháp luật là loại quan hệ mang tính giai cấp

Đặc điểm này xuất phát từ việc quan hệ pháp luật được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật luôn thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội. Khi xây dựng và ban hành pháp luật, giai cấp thống trị trong xã hội thông qua con
đường nhà nước bao giờ cũng cân nhắc các loại quan hệ xã hội cần tác động tới bằng pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích giai cấp. Các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử xã hội loài người cho thấy, cùng một mối quan hệ xã hội nhất định sự thừa nhận và tác động bằng pháp luật của nhà nước ở mỗi giai đoạn khác nhau là khác nhau bởi lẽ sự tồn tại của những quan hệ xã hội này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của giai cấp thống trị ở mỗi thời kỳ là khác nhau. Ví dụ: Trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ và thời kỳ phong kiến quan hệ hôn nhân đa thê được thừa nhận ở nhiều quốc gia bởi nó phù hợp với lợi ích của giai cấp chủ nô và địa chủ, tuy nhiên quan hệ này đang bị loại bỏ ở xã hội hiện đại…

2.3. Quan hệ pháp luật là loại quan hệ có nội dung được biểu hiện thành quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ

Đây là một đặc điểm quan trọng của quan hệ pháp luật bởi lẽ cách xử sử của các bên tham gia loại quan hệ này do quy phạm pháp luật quy định. Những xử sự này chính là các quyền và nghĩa vụ pháp lý được nêu ra trong phần quy
định của quy phạm pháp luật dưới trạng thái các hành vi được phép tiến hành, bị cấm hoặc buộc phải thực hiện và được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế (các chế tài).

2.4. Quan hệ pháp luật là loại quan hệ có cơ cấu chủ thể xác định

Tính xác định của cơ cấu chủ thể trong quan hệ pháp luật được biểu hiện ở chỗ các bên tham gia quan hệ này phải thỏa mãn những điều kiện nhất định do pháp luật xác định trước. Các quan hệ xã hội bao giờ cũng được hình thành bởi những chủ thể nhất định trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, để tham gia vào quan hệ pháp luật, các bên tham gia không phải là những chủ thể bất kỳ. Họ phải là những chủ thể có những điều kiện phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Ở mỗi xã hội khác nhau, những điều kiện này được pháp luật quy định có thể không giống nhau xuất phát từ ý chí nhà nước và lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội đó.

5/5 - (95 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap