“Có được đặt tên công ty có từ Tập Đoàn không?” là câu hỏi mà nhiều doanh nhân đặt ra khi bắt đầu xây dựng thương hiệu. Việc sử dụng cụm từ này không chỉ thể hiện quy mô và uy tín của doanh nghiệp mà còn tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng. Tuy nhiên, có những quy định pháp lý cần lưu ý để đảm bảo tính hợp pháp của tên gọi. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu quy định liên quan đến việc đặt tên công ty có chữ “Tập Đoàn” để bạn có thể tự tin khởi nghiệp!
1. Có được đặt tên công ty có từ Tập Đoàn không?
Tên doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
– Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ Loại hình doanh nghiệp;
+ Tên riêng.
– Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
– Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Lưu ý: Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp, bao gồm:
– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký ;
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Theo quy định trên, có thể thấy rằng, cụm từ “Tập Đoàn” không được coi là tên loại hình doanh nghiệp, cũng không thuộc trường hợp bị cấm. Vì vậy, cụm từ “Tập đoàn” có thể là tên riêng đứng sau tên loại hình doanh nghiệp của công ty. Nếu tên này không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác thì vẫn có thể đặt tên công ty có chữ Tập Đoàn.
2. Đăng ký thành lập công ty qua mạng thông tin điện tử được không?
Hình thức đăng ký doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Điều 26. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Theo đó, một trong những hình thức để đăng ký thành lập công ty là đăng ký qua mạng thông tin điện tử.
Do đó, người thành lập công ty hoặc người được ủy quyền có thể thực hiện đăng ký thành lập công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh qua mạng thông tin điện tử.
3. Hình thức đăng ký thành lập công ty qua mạng thông tin điện tử
Việc đăng ký thành lập công ty qua mạng thông tin điện tử được quy định tại Điều 42 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Điều 42. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử
1. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
2. Tài khoản đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Doanh nghiệp là tài khoản được sử dụng để xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử trong trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp không sử dụng chữ ký số. Tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để kê khai thông tin và tạo Tài khoản đăng ký kinh doanh. Các thông tin cá nhân được kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trên giấy tờ pháp lý của cá nhân và phải tuân thủ mức độ đảm bảo xác thực người nộp hồ sơ của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Một Tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân. Cá nhân được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin đăng ký để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh và việc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh.
4. Phòng Đăng ký kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin, thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký thành lập công ty qua mạng thông tin điện tử.