Trên thế giới có hàng trăm quốc gia, mỗi quốc gia lại có chủ quyền riêng của mình, mỗi quốc gia có một lãnh thổ mà ở đó và chỉ trong phạm vi đó chủ quyền quốc gia được thực hiện thông qua tất cả các lĩnh vực pháp luật. Nói cách khác là để thực hiện chủ quyền của mình trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, các quốc gia đều xây dựng một hệ thống pháp luật riêng để điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhà nước, xã hội và công dân.
Nếu các quan hệ chỉ thuần túy có yếu tố quốc nội thì vấn đề sẽ không có gì khó khăn, luật của quốc gia sẽ điều chỉnh. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, do có sự giao lưu về kinh tế, văn hoá, khoa học... giữa các nước, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì sự phát sinh các quan hệ có yếu tố nước ngoài ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp.
Các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế (gọi tắt là các quan hệ tư pháp quốc tế) như đã trình bày tại Chương 1 là một trong những loại quan hệ có yếu tố nước ngoài phức tạp nêu trên. Chính yếu tố nước ngoài đã làm cho các quan hệ này liên quan tới ít nhất là hai quốc gia, hai hệ thống pháp luật, mà các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng với nhau theo các nguyên tắc cơ bản mà Luật quốc tế hiện đại đã xác định. Điều đó cũng có nghĩa là các hệ thống pháp luật tương ứng của các quốc gia cũng bình đẳng với nhau. Nên khi các quan hệ tư pháp quốc tế nảy sinh cũng đồng nghĩa với việc phát sinh hiện tượng cả hai (hay nhiều) hệ thống pháp luật đó cũng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ tương ứng và hầu hết các quốc gia đều chấp nhận việc có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh lĩnh vực này. Quyết định sử dụng hệ thống pháp luật nào chính là vấn đề cần giải quyết. Khoa học tư pháp quốc tế gọi đó là hiện tượng “xung đột pháp luật”.
Ví dụ: Về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khi doanh nghiệp nước A bán hàng hoá cho doanh nghiệp nước B và hàng hoá đang được vận chuyển qua nước C thì xảy ra rủi ro. Vấn để bồi thường thiệt hại được đặt ra, nhưng để điều chỉnh quan hệ này hệ thống pháp luật của ba nước A, B, C cùng có khả năng được áp dụng. Song, pháp luật các nước có liên quan lại có những quy định khác nhau, theo pháp luật nước A thì vấn đề này sẽ được giải quyết theo luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại nhưng nước B lại quy định áp dụng luật của nước nơi xảy ra hậu quả thực tế, hoặc thậm chí nước C lại có sự lựa chọn khác là luật của nước có toà án đang xét xử vụ án. Vậy, pháp luật nước nào sẽ được áp dụng điều chỉnh?
Một ví dụ khác, trong một quan hệ thừa kế theo di chúc khi người để lại di sản thừa kế và người hưởng thừa kế có quốc tịch khác nhau, thì về nguyên tắc cả hai hệ thống pháp luật này đều có “cơ hội” như nhau trong việc áp dụng để điều chỉnh quan hệ thừa kế nêu trên. Nhưng pháp luật của các quốc gia này lại có các quy định rất khác nhau, theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế là công dân thì sẽ có trường hợp một số người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong khi đó pháp luật của nước người nhận di sản thừa kế là công dân thì người để lại di sản thừa kế có toàn quyền định đoạt tài sản của mình. Vậy trong quan hệ thừa kế cụ thể đang xem xét thì vấn đề sẽ giải quyết như thế nào? Pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết?
Trong các tình huống nêu trên xảy ra một vấn đề là khi có hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật cùng liên quan đến một quan hệ tư pháp quốc tế thì các hệ thống pháp luật này đều có khả năng được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Trong khi đó cũng phải thừa nhận một thực tế khác là khó có thể cùng một lúc áp dụng cả hai (hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau để giải quyết một quan hệ tư pháp quốc tế, do các hệ thống pháp luật đó là khác nhau. Vì vậy vấn đề là phải “chọn” ra trong số hai (hay nhiều) hệ thống pháp luật liên quan đó một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ cụ thể đang xem xét.
Từ các luận giải và các ví dụ trên có thể xác định: Xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế).
Trong khái niệm trên, xung đột pháp luật không được hiểu là sự xung khắc hay sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, đó là một hiện tượng riêng có, hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế, sẽ xuất hiện khi có hai hệ thống pháp luật hoặc nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế.
Ở đây cần phải hiểu xung đột pháp luật là sự “xung đột” giữa các hệ thống pháp luật của các nước chứ không phải giữa các quy phạm luật hay chế định luật. Do đó, thực tế sẽ xảy ra trường hợp trong quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau có thể tìm thấy các quy phạm, thậm chí các chế định giống nhau, hoặc tương tự nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là các hệ thống pháp luật đó là như nhau.
Một lưu ý nữa khi nói tới xung đột pháp luật là nói tới sự xung đột giữa các hệ thống pháp luật của các nước khác nhau chứ không phải các bang trong một nước nếu đó là nhà nước liên bang. Bởi vấn đề mà tư pháp quốc tế điều chỉnh vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia, nó nảy sinh giữa các công dân, pháp nhân của quốc gia này với công dân, pháp nhân của quốc gia khác chứ không phải thuần túy giữa các công dân, pháp nhân của một quốc gia với nhau, kể cả là một quốc gia liên bang. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp khi xác định được luật áp dụng là luật của nhà nước liên bang mà ở đó luật liên bang không quy định hoặc giành quyền quy định cho luật của bang thì cuối cùng để điều chỉnh quan hệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng luật của bang thay vì áp dụng luật của liên bang, phần này sẽ được đề cập kĩ hơn trong mục 2 dưới đây.
Cuối cùng, xung đột pháp luật chỉ xác định khả năng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ của hai hay nhiều hệ thống pháp luật liên quan chứ không phải là việc tất cả các hệ thống đó đều được áp dụng để điều chỉnh quan hệ. Lí do là bởi các hệ thống pháp luật khác nhau (hệ thống chứ không phải quy phạm luật) không thể cùng một lúc điều chỉnh một quan hệ cụ thể được.