Các nguồn của tư pháp quốc tế
Cũng giống như các ngành luật khác, tư pháp quốc tế có nguồn điều chỉnh riêng biệt phù hợp với đối tượng điều chỉnh của nó. Nguồn của tư pháp quốc tế là các yếu tố trong đó chứa đựng cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế. Theo nghĩa ngày, tư pháp quốc tế có các loại nguồn sau đây:
1. Pháp luật quốc gia
Đây là loại nguồn phổ biến và chủ yếu của tư pháp quốc tế. Loại nguồn này còn được biết đến với tên gọi là nguồn quốc nội bao gồm một hệ thống các văn bản pháp luật do quốc gia ban hành cùng với các án lệ. Sở dĩ pháp luật quốc gia trở thành nguồn chủ yếu của tư pháp quốc tế bởi hai lí do chính. Thứ nhất, các quan hệ tư pháp quốc tế không phải là các quan hệ chính trị quốc tế (quan hệ giữa các chủ thể của Luật quốc tế) mà chỉ thuần túy là các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài, vì vậy, mỗi quốc gia trước tiên sẽ xây dựng những quy định riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mình để điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế. Thứ hai, mặc dù điều ước quốc tế cũng có thể là nguồn của tư pháp quốc tế nhưng việc xây dựng điều ước quốc tế để điều chỉnh mọi lĩnh vực của tư pháp quốc tế là không khả thi bởi không thể thống nhất hoá mọi nội dung của luật các nước trong điều kiện pháp luật, nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới là rất khác nhau.
Văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất là hiến pháp. Tuy nhiên, có nước không có hiến pháp rõ rệt với vai trò là một đạo luật gốc do cơ quan lập pháp ban hành như: Anh, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Sau hiến pháp là các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành. Văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lí thấp hơn là các văn bản dưới luật thường do các cơ quan hành pháp, tư pháp ban hành.
Các quy phạm tư pháp quốc tế có thể được xây dựng rải rác trong hiến pháp, luật, văn bản dưới luật v.v. nhưng cũng có thể được pháp điển thành các đạo luật chuyên biệt. Một số nước xây dựng ngành tư pháp quốc tế theo cách thứ nhất, ví dụ: Pháp, Đức, Italia, Anh, Hoa Kỳ v.v. trong khi đó, một số nước khác lại chọn cách thứ hai để xây dựng các đạo luật riêng về tư pháp quốc tế như: Bộ luật Liên bang về Tư pháp quốc tế của Liên bang Thụy Sỹ năm 1987, Đạo luật về Tư pháp quốc tế của Ba Lan năm 2011, Đạo luật về Tư pháp quốc tế của Venezuela năm 1998, Đạo luật về Tư pháp quốc tế của Áo năm 1978, Bộ luật Tư pháp quốc tế của Vương quốc Bỉ năm 2004, Bộ luật Tư pháp quốc tế của Bungari năm 2005.
Pháp luật quốc gia với tư cách là nguồn của tư pháp quốc tế thường được áp dụng ở một quốc gia để giải quyết quan hệ tư pháp quốc tế trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất: khi có sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia.
Thứ hai: khi trong hợp đồng quốc tế có thoả thuận áp dụng pháp luật quốc gia nhất định.
Thứ ba: khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là pháp luật quốc gia nhất định.
Ở Việt Nam, hiện nay pháp luật quốc gia là loại nguồn chủ yếu của tư pháp quốc tế. Các quy phạm tư pháp quốc tế được xây dựng rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau để điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế tương ứng. Đầu tiên phải kể tới Hiến pháp 2013 là nguồn quan trọng và có hiệu lực pháp lí cao nhất. Trong Hiến pháp 2013 chứa đựng nhiều quy phạm có tính nguyên tắc của ngành tư pháp quốc tế Việt Nam, chẳng hạn như: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Điều 12); “1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; 2. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” (Điều 18); “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam” (Điều 48); “… Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hoá” (Điều 51).
Các nguyên tắc hiến định điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế đã được cụ thể hoá trong các đạo luật và văn bản dưới luật có liên quan như: Luật hôn nhân và gia đình 2014; Luật đầu tư 2014; Luật nhà ở 2014; Luật doanh nghiệp 2014; Luật hộ tịch 2014; Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Bộ luật dân sự 2015 v.v.. Nghị định của Chính phủ số 126/2014/NĐ–CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình; Nghị định của Chính phủ số 99/2015/NĐ–CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở; Nghị định của Chính phủ số 118/2015/NĐ–CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư; Nghị định của Chính phủ số 123/2015/NĐ–CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch; Nghị quyết số 01/2014/NQ–HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật trọng tài thương mại v.v..
2. Điều ước quốc tế
Bên cạnh pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế cũng là nguồn quan trọng của tư pháp quốc tế. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các điều ước quốc tế về tư pháp quốc tế cho thấy sự nỗ lực to lớn của các quốc gia trong việc thống nhất hoá luật nội dung của các nước nhằm làm đơn giản hoá và hài hoà hoá việc điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại quốc tế phát triển. Do sự khác biệt trong nội dung pháp luật của các nước, nên việc thống nhất hoá luật nội dung các nước bằng các điều ước quốc tế còn chưa nhiều về số lượng, chưa phong phú về lĩnh vực điều chỉnh, đặc biệt còn ít các điều ước quốc tế chứa đựng các quy phạm thực chất.
Không phải điều ước quốc tế nào cũng là nguồn của tư pháp quốc tế mà chỉ những điều ước quốc tế chứa đựng quy phạm tư pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia mới trở thành nguồn của tư pháp quốc tế. Trên thực tế, số lượng điều ước quốc tế là nguồn của tư pháp quốc tế thay đổi theo từng lĩnh vực điều chỉnh. Chiếm số lượng lớn hơn cả là các điều ước quốc tế điều chỉnh lĩnh vực hợp đồng, hôn nhân và gia đình, SHTT, tương trợ tư pháp về dân sự. Tiếp sau là các điều ước quốc tế về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, lao động, thừa kế, v.v..
Điều ước quốc tế có thể được phân loại thành điều ước quốc tế đa phương và điều ước quốc tế song phương (dựa trên tiêu chí số lượng các nước tham gia điều ước quốc tế). Trong điều ước quốc tế đa phương thì có điều ước quốc tế đa phương được nhiều nước trên thế giới tham gia và điều ước quốc tế đa phương khu vực chỉ dành cho một số nước trong một khu vực xác định. Điều ước quốc tế còn được phân loại thành điều ước quốc tế khung và điều ước quốc tế chi tiết (dựa trên tiêu chí nội dung của điều ước quốc tế). Có nhiều điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, có thể chỉ ra một số điều ước quốc tế đa phương tiêu biểu sau đây:
– Công ước La Haye 1961 về xung đột pháp luật liên quan hình thức định đoạt tài sản bằng di chúc.
– Công ước La Haye 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.
– Công ước La Haye 1971 về luật áp dụng đối với tai nạn giao thông.
– Công ước La Haye 1978 về luật áp dụng đối với chế độ tài sản hôn nhân.
– Công ước La Haye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.
– Hiệp định TRIPs 1994 về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT.
– Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả.
– Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền SHCN.
– Thoả ước Madrid 1891và Nghị định thư Madrid 1989 về đăng kí quốc tế nhãn hiệu hàng hoá.
– Hiệp ước Washington 1970 về hợp tác đối với sáng chế (PCT).
– Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
– Công ước Vienna 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế.
– Nghị định (Regulation) số 593/2008 của Liên minh châu Âu ngày 17/6/2008 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ hợp đồng (Rome I).
– Nghị định (Regulation) số 864/2007 của Liên minh châu Âu ngày 11/7/2007 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ ngoài hợp đồng (Rome II) v.v..
Điều ước quốc tế với vai trò là nguồn của tư pháp quốc tế thường được áp dụng ở một quốc gia để điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất, có điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên chứa đựng quy phạm điều chỉnh trực tiếp quan hệ phát sinh.
Thứ hai, quy phạm pháp luật xung đột trong pháp luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên dẫn chiếu tới.
Thứ ba, điều khoản về luật áp dụng trong hợp đồng quốc tế có quy định việc áp dụng điều ước quốc tế cụ thể
Thứ tư, điều ước quốc tế được áp dụng khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là điều ước quốc tế.
Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Về điều ước quốc tế đa phương, có thể liệt kê một số điều ước quốc tế quan trọng sau đây:
– Công ước La Haye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Việt Nam gia nhập năm 2010).
– Công ước La Haye 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Việt Nam gia nhập năm 2016).
– Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Việt Nam gia nhập năm 1995).
– Hiệp định TRIPs 1994 về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (có hiệu lực tại Việt Nam vào 11/01/2007).
– Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả (Việt Nam gia nhập năm 2004).
– Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền SHCN (Việt Nam gia nhập năm 1981).
– Thoả ước Madrid 1891 về đăng kí quốc tế nhãn hiệu hàng hoá (Việt Nam gia nhập năm 1981).
– Hiệp ước Washington 1970 về hợp tác đối với sáng chế (Việt Nam gia nhập năm 1993).
– Công ước năm 1966 của Liên hợp quốc về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (Việt Nam gia nhập năm 1982).
– Công ước năm 1966 của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị (Việt Nam gia nhập năm 1982).
– Công ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Vienna 1963 về quan hệ lãnh sự (Việt Nam gia nhập năm 1980).
– Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (Việt Nam ký kết cùng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 1998) v.v..
Bên cạnh việc tham gia ngày càng nhiều vào các điều ước quốc tế đa phương về tư pháp quốc tế, Việt Nam còn tích cực, chủ động kí kết các điều ước quốc tế song phương với nhiều nước có liên quan về lĩnh vực này, ví dụ:
– Các HĐTTTP và pháp lí kí kết giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước như: với Tiệp Khắc năm 1982 (Cộng hoà Séc và Cộng hoà Slovakia kế thừa), Cu Ba năm 1984, Hungary năm 1985, Bungari năm 1986, Ba Lan năm 1993, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào năm 1998, Cộng hoà Liên bang Nga năm 1998, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1998, Cộng hoà Pháp năm 1999, Ucraina năm 2000, Mông Cổ năm 2000, Belarus năm 2000, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên năm 2002, v.v..
– Các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài như: với Italia năm 1990, Vương quốc Thái Lan năm 1991, Cộng hoà Liên bang Đức 1993, Namibia năm 1993, Ba Lan năm 1994, Cu Ba năm 1995, Cộng hòa Áo năm 1995, Uzbekistan năm 1996, Anh và Bắc Ireland năm 2002, Nhật Bản năm 2003, Iran năm 2009, v.v..
– Các hiệp định thương mại (hoặc thương mại và hàng hải) như: với Hoa Kỳ năm 2000, Namibia năm 2003, Cộng hoà Liên bang Nga năm 1993, Iran năm 2002, Nhật Bản năm 2008, Chi Lê năm 2011, v.v..
– Các hiệp định về lãnh sự như: với Ba Lan năm 1979, Bungari năm 1979, Hungari năm 1979, Mông Cổ năm 1979, Tiệp Khắc năm 1980 (Cộng hoà Séc và Cộng hoà Slovakia kế thừa), Cu Ba năm 1981, Cộng hoà Pháp năm 1981, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào năm 1985, Nicaragua năm 1985, Iraq năm 1990, Ucraina năm 1994, Rumani năm 1995, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1998, Australia năm 2003, v.v..
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, khi có sự quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia thì sẽ ưu tiên áp dụng quy định trong điều ước quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này không giống nhau ở các nước. Ở Việt Nam, khoản 2 Điều 665 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Phần này và luật khác về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng”. Như vậy, về nguyên tắc, điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng hơn các quy định pháp luật trong nước ở Việt Nam.
3. Tập quán quốc tế
Tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự được hình thành từ lâu đời, được sử dụng thường xuyên, liên tục và được các quốc gia thừa nhận rộng rãi.
Tập quán quốc tế vừa là nguồn của công pháp quốc tế, vừa là nguồn của tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, chỉ những tập quán quốc tế chứa đựng quy phạm liên quan tới lĩnh vực tư pháp quốc tế mới có thể trở thành nguồn của tư pháp quốc tế. Trên thực tế, tập quán quốc tế là nguồn của tư pháp quốc tế xuất hiện chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và hàng hải.
Có nhiều cách để phân loại tập quán quốc tế, song tập quán quốc tế thường được phân loại thành tập quán quốc tế chung và tập quán quốc tế vùng, khu vực. Tập quán quốc tế chung là loại tập quán có phạm vi áp dụng rộng lớn, hầu khắp trên thế giới, ví dụ: Các điều kiện thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC – international chamber of commerce) ban hành lần đầu năm 1936, tên tiếng Anh là Incoterms (international commercial terms), được sửa đổi nhiều lần qua các năm và mới đây nhất là phiên bản năm 2010. Incorterms quy định những điều kiện thương mại thông dụng nhất trong mua bán hàng hoá quốc tế như FOB, CIF, EXW, DAP, DAT, v.v. nhằm giúp các bên trong mua bán hàng hoá quốc tế có cách hiểu thống nhất về tập quán mua bán hàng hoá quốc tế, từ đó giảm bớt những tranh chấp có thể xảy ra. Hoặc, các tập quán và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP – The uniform customs and practice for documentary credits) của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC). Đây là tập hợp các tập quán và thực tiễn ngân hàng trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được quốc tế thừa nhận rộng rãi. UCP được công bố lần đầu tiên vào năm 1993, được sửa đổi nhiều lần qua các năm, và mới đây nhất là UCP 600 được ICC thông qua ngày 25/10/2006 và có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2007.
Tập quán quốc tế khu vực là tập quán quốc tế được sử dụng trong một khu vực địa lí xác định, thường bao gồm một số quốc gia. Chẳng hạn, các thương nhân của khu vực Bắc Hoa Kỳ (bao gồm Hoa Kỳ, Canada, và cả Mexico) đều rất ưa chuộng áp dụng các điều kiện thương mại theo tập quán của Bắc Hoa Kỳ (như FOB của Bắc Hoa Kỳ hay CIF của Bắc Hoa Kỳ v.v.) trong buôn bán quốc tế. Các điều kiện thương mại này khác rất xa so với các điều kiện thương mại trong INCOTERMS 2010.
Tập quán quốc tế với vai trò là nguồn của tư pháp quốc tế sẽ được áp dụng trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, tập quán quốc tế được các điều ước quốc tế có liên quan quy định áp dụng.
Thứ hai, tập quán quốc tế được áp dụng khi được luật quốc gia quy định áp dụng.
Thứ ba, tập quán quốc tế được áp dụng khi các bên trong hợp đồng quốc tế có thoả thuận trong hợp đồng về việc áp dụng tập quán quốc tế.
Thứ tư, tập quán quốc tế được áp dụng khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là tập quán quốc tế. Với mỗi phương thức giải quyết tranh chấp, tùy theo là toà án hay trọng tài, sẽ có cách thức lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế khác nhau.
Theo quy định hiện hành của tư pháp quốc tế Việt Nam, tập quán quốc tế cũng được coi là một loại nguồn của tư pháp quốc tế và được áp dụng như sau:
Trước hết, khoản 2 Điều 5 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
Điều 666 Bộ luật dân sự 2015 quy định thêm: “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”.
Điều 5 Luật thương mại 2005 cũng quy định: “1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó
2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
4. Án lệ và các nguồn khác
Bên cạnh các văn bản pháp luật, án lệ cũng được xem là nguồn quan trọng điều chỉnh các quan hệ pháp luật nói chung, quan hệ tư pháp quốc tế nói riêng. Ở các nước theo truyền thống Common Law, chẳng hạn Hoa Kỳ, Anh, Australia, mặc dù luật thành văn được áp dụng khi có xung đột, nhưng án lệ (tiền lệ án) vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều chỉnh pháp luật và được coi là nguồn chủ yếu của pháp luật. Nguyên tắc chung của tiền lệ án là, mọi quy tắc đã được đưa ra trong một phán quyết của tòa án trước đó, đều có hiệu lực ràng buộc đối với tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới khi xét xử một vụ việc tương tự.‘ Ở các nước theo truyền thống Civil Law, như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, án lệ cũng đang dần được toà án sử dụng thường xuyên hơn dù rằng mức độ ảnh hưởng của án lệ trong đời sống pháp luật ở mỗi nước có khác nhau. Thực tế là, đóng góp vào sự phát triển chung của tư pháp quốc tế trên thế giới cũng như ở mỗi quốc gia, có vai trò to lớn của các lí thuyết về tư pháp quốc tế. Vì vậy, ở nhiều nước, các học thuyết, sách, tư tưởng, quan điểm của các học giả nổi tiếng về tư pháp quốc tế có ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định của toà án và được coi như loại “nguồn bổ trợ” (secondary source). Thẩm phán thường tham khảo các lí thuyết nổi tiếng về tư pháp quốc tế để giải quyết những vấn đề thực tế còn đang gây tranh luận hoặc chưa rõ ràng. Tuy nhiên, loại nguồn này chỉ có giá trị tham khảo chứ không có hiệu lực bắt buộc.
Trước đây, án lệ không được coi là nguồn của tư pháp quốc tế Việt Nam nhưng trên thực tế, tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao hàng năm được các cơ quan xét xử ở Việt Nam rất quan tâm và thường được các thẩm phán tham khảo khi giải quyết vụ việc cụ thể. Hiện nay, trong Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đều đã công nhận hiệu lực pháp lý của án lệ và lẽ công bằng. Hai đạo luật này đã quy định những trường hợp tòa án có thể áp dụng án lệ và lẽ công bằng để giải quyết vụ việc.