1. Một số quy định chung
1.1. Thẩm quyền giám đốc thẩm
Theo quy định tại Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thẩm quyền giám đốc thẩm được quy định như sau:
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
Hội đồng toàn thể ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gổm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Uy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực bị kháng nghị. Khi xét xử giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương tham gia, do Chánh án Tòa án quân sự Trung ương làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương bị kháng nghị.
Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đổng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
1.2. Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hổ sơ vụ án. Thời hạn này quy định chung cho tất cả các cấp giám đốc thẩm: Tòa án quân sự Trung ương; Tòa án nhân dân cấp cao; Hội đồng Thẩm phán và Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Khác với thời hạn mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm có gia hạn, thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm không có gia hạn và bắt buộc phải được mở trong thời hạn luật định.
1.3. Thành phần Hội đồng giám đốc thẩm
Hội đồng xét xử của ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao gổm 03 Thẩm phán.
Hội đồng toàn thể Uy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao làm chủ tọa phiên tòa.
Hội đồng xét xử của ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương tham gia, do Chánh án Tòa án quân sự Trung ương làm chủ tọa phiên tòa.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm gồm 05 Thẩm phán.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên tòa.

1.4. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm
Điều 383 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phẩn bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
1.5. Phạm vi giám đốc thẩm
Điều 387 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Khác với phạm vi xét xử phúc thẩm là Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị, việc xem xét các phẩn khác giới hạn trong nội dung của kháng cáo, kháng nghị chỉ được đặt ra khi thấy cần thiết thì theo Điều 387 Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Xem xét toàn bộ vụ án sẽ giúp cho việc kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật được toàn diện nhằm bảo đảm việc xét xử vụ án được chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, khắc phục mọi vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án.
1.6. Chuẩn bị phiên tòa giám đốc thẩm
Theo quy định tại Điều 384 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi có kháng nghị giám đốc thẩm đúng thời hạn luật định, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị.
Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.
Quy định này của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm cho các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm có điều kiện nghiên cứu trước các tài liệu, nắm được nội dung vụ án cũng như toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, từ đó có thể xem xét để đưa ra ý kiến đúng đắn về vụ án đang xem xét.
1.7. Hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm và việc gửi quyết định giám đốc thẩm
Theo quy định tại Điều 395 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.
2. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm
Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là thủ tục xét lại về mặt áp dụng pháp luật, nên phiên tòa giám đốc thẩm được tiến hành không giống như phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.
Theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tại phiên tòa, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điểu kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án. Trình tự biểu quyết như sau: Những ý kiến đồng ý với kháng nghị biểu quyết trước, tiếp theo là những ý kiến không đổng ý với kháng nghị. Nếu không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết tán thành, thì vụ án phải hoãn và được xét xử lại trong thời hạn 30 ngày với một phiên tòa khác với sự tham gia đẩy đủ của các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm.
3. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
Theo quy định tại Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định:
– Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị
Nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ kháng nghị quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 389).
– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật
Qua xét xử, nếu Hội đổng giám đốc thẩm thấy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm là đúng nhưng đã bị Tòa án cấp trên hủy, sửa không đúng pháp luật thì Hội đồng giám đốc thẩm có quyền quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm nhưng bị hủy, sửa không đúng pháp luật (Điều 390).
– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án
Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khi giám đốc thẩm, nếu thấy có những căn cứ không được khởi tố vụ án thì Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án.
– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại
Hội đổng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Trường hợp xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết để bảo đảm bị cáo không gây trở ngại trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.
– Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: i) Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ; ii) Việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho bị hại, đương sự. Quy định này đáp ứng được yêu cầu do thực tiễn đặt ra, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh gọn, không bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, gây tốn kém, lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Trong trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên tòa thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải gửi quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, người bị kết án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị và Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 381 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).