Vi phạm quy chế về khu vực biên giới, được hiểu là hành vi không chấp hành, chấp hành không đúng các quy định của Nhà nước về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới.
1. Căn cứ pháp lý
Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới được quy định tại Điều 346 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi Điểm q Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Điều 346. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
1. Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Tái phạm nguy hiểm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
2.1. Mặt khách thể
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý hành chính về cư trú, đi lại và các nội dung quản lý khác ở khu vực biên giới.
2.2. Mặt khách quan
– Có hành vi vi phạm quy định về cư trú, đi lại ở khu vực biên giới. Được hiểu là hành vi không chấp hành, chấp hành không đúng các quy định về cư trú, đi lại ở khu vực biên giới (như không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không có giấy thông hành…).
Cũng cần lưu ý:
Khu vực biên giới bao gồm:
+ Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp biên giới quốc gia trên đất liền.
+ Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo.
+ Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng 10km tính từ biên giới quốc gia trở vào.
Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng sa và quần đảo Trường sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 1 Luật biên giới quốc gia).
Có hành vi vi phạm các quy định khác về khu vực biên giới. Được hiểu là hành vi không chấp hành, chấp hành không đúng các quy định khác về khu vực biên giới (như đi công tác vào khu vực biên giới không có giấy giới thiệu, vi phạm vùng cấm hoặc vành đai biên giới, quay phim, chụp ảnh vùng biên giới mà không có giấy phép…).
Người đã thực hiện một trong các hành vi nêu trên phải thuộc trường hợp đã bị phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
2.4. Mặt chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
3. Về hình phạt
– Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Tái phạm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.