1. Cố ý lây truyền HIV là gì?
Cố ý lây truyền HIV là hành vi của một người không bị HIV nhưng đã cố tình lây truyền HIV từ người này qua người khác.
Tội lây truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác
1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Các yếu tố cấu thành tội cố ý truyền HIV cho người khác
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.1. Mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội cố ý truyền HIV cho người khác là trật tự, an toàn xã hội và quyền con người. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội cố ý truyền HIV cho người khác là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của con người.
– Khách thể trực tiếp của tội cố ý truyền HIV cho người khác là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của con người. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Đối tượng tác động của tội cố ý truyền HIV cho người khác là tính mạng, sức khỏe, thân thể, nhân phẩm và danh dự của con người.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi cố ý lây truyền HIV từ người này qua người khác (người phạm tội không bị nhiễm HIV) thông qua các phương thức, thủ đoạn như:
– Cho nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm HIV hoặc đưa virus từ người nhiễm HIV sang nạn nhân thông qua các công cụ, phương tiện hỗ trợ.
Ví dụ: Dùng kim tiêm đâm vào người bị nhiễm bệnh rồi đâm vào người khác hoặc dùng dao, vật nhọn rạch tay, chân người bị nhiễm bệnh cho máu dính vào rồi rạch vào người khác).
– Lôi kéo, dụ dỗ người nhiễm HIV và nạn nhân quan hệ tình dục không an toàn.
Ví dụ: Bác sĩ, y tá biết được bệnh nhân của mình bị nhiễm HIV nhưng không diệt khuẩn đúng cách các dụng cũ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh khiến bệnh nhân khác của mình bị nhiễm HIV, hoặc cố tình truyền máu bị nhiễm HIV sang cho bệnh nhân khác,…).
– Làm cho các bình, túi máu sạch dữ trữ trong bệnh viện bị nhiễm HIV để lây truyền bệnh cho các bệnh nhân.
Lưu ý:
– Nếu người phạm tội mới chỉ làm vật thể bị nhiễm virus HIV mà chưa khiến cho virus HIV lây lan đã bị ngăn chặn kịp thời thì vẫn bị truy cứu hình sự về Tội cố ý truyền HIV cho người khác (giai đoạn chuẩn bị phạm tội).
– Nếu kết quả là người bị hại không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Hậu quả là dấu hiệu để xác định tội phạm hoàn thành. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi truyền HIV từ người bệnh, nguồn bệnh sang cho người khác và chính bởi hành vi đó khiến cho nạn nhân nhiễm HIV.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội biết mình bị HIV, nhận thức được hành vi truyền HIV sẽ gây ra hậu quả làm nạn nhân bị HIV và mong muốn hậu quả ấy xảy ra. Đây là hành vi phạm tội với động cơ đê hèn (muốn người khác bị HIV)
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Hình phạt áp dụng đối với tội cố ý truyền HIV cho người khác
Tội cố ý truyền HIV cho người khác có 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
---|---|---|
Khung 1 (Khung hình phạt cơ bản) | Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm | Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc tội lây truyền HIV cho người khác |
Khung 2 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có tổ chức; b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; c) Đối với người dưới 18 tuổi; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Lợi dụng nghề nghiệp; e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. |
Khung 3 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai; b) Đối với 06 người trở lên; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm nạn nhân tự sát. |
Khung 4 (Khung hình phạt bổ sung) | Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm |