Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là việc người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi.
1. Căn cứ pháp lý
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
2.1. Mặt khách quan
Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là việc người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi.
Đối với tội chiếm đoạt trẻ em. Được thể hiện qua việc dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm để đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ.
Việc chiếm đoạt trẻ em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên dù dưới bất kỳ hình thức nào thì người có một trong các hành vi nêu trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thực hiện đó.
+ Trẻ em là người bị hại trong trường hợp này là người chưa đủ 16 tuổi.
+ Nếu hành vi chiếm đoạt trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.
+ Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nếu hậu quả chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được coi là phạm tội chưa đạt.
2.2. Mặt khách thể
Khách thể của tội phạm là các hành vi nêu trên xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em.
2.3. Mặt chủ quan
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ thực hiện hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt nêu trên không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản mà chỉ có ý nghĩa trong việc định khung tăng nặng, lượng hình.
2.4. Mặt chủ thể
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, người từ đủ 16 tuổi trở lên.
3. Hình phạt áp dụng đối với Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
---|---|---|
Khung 1 (Khung hình phạt cơ bản) | Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm | Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi |
Khung 2 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây – Có tổ chức; – Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; – Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; – Đối với từ 02 người đến 05 người; – Phạm tội 02 lần trở lên; – Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. |
Khung 3 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: – Có tính chất chuyên nghiệp; – Đối với 06 người trở lên; – Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; – Làm nạn nhân chết; – Tái phạm nguy hiểm. |
Khung 4 (Khung hình phạt bổ sung) | Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |