Ngày nay, việc sử dụng ma túy ngày càng trở nên phổ biến với quy mô ngày càng lớn, độ tinh vi của hành vi phạm tội ngày càng cao. Vậy việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
1. Hiểu như thế nào là sử dụng trái phép chất ma túy?
Ma túy theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được hiểu là các chất gây nghiện, chất hướng thần nằm trong danh mục do Chính phủ ban hành. Trong đó:
Chất gây nghiện là những chất có tác dụng gây kích thích hoặc ức chế đến hệ thần kinh, từ đố, gây nghiện đối với những người sử dụng.
Chất hướng thần cũng là một loại chất gây kích thích, ức chế thần kinh của người sử dụng hoặc làm người sử dụng nó rơi vào tình trạng ảo giác. Việc sử dụng nhiều lần loại chất trên có thể dẫn tới tình trạng nghiện.
Theo đó, tại quy định ở Điều 5 của luật trên, ma túy được xác định là chất cấm sử dụng. Vì vậy, việc các cá nhân tự ý sử dụng những chất này được hiểu là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là gì?
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi chỉ huy, điều hành, phân công hoặc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
3. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015
Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó:
“Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm“ – Khoản 1 Điều 255
Ngoài ra, căn cứ vào hành vi và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thể bị áp dụng một trong các khung hình phạt sau:
Thứ nhất, phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Phạm tội hai lần trở lên;
(ii) Đối với hai người trở lên;
(iii) Phạm tội với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
(iv) Phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai;
(v) Phạm tội với người đang cai nghiện;
(vi) Việc phạm tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
(vii) Hành vi phạm tội gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
(viii) Phạm tội thuộc trường hợptái phạm nguy hiểm.
Thứ hai, phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu hành vi phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túythuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Hành vi phạm tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
(ii) Hành vi phạm tội gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
(iii) Hành vi phạm tội gây bệnh nguy hiểm cho hai người trở lên;
(iv) Phạm tội với người dưới 13 tuổi.
Thứ ba, phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân nếu hành vi phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy:
(i) Gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là 61% trở lên;
(ii) Làm chết hai người trở lên.
Bên cạnh đó, người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thể bị áp dụng thêm một trong các hình phạt bổ sung theo quy định tại Khoản 5 Điều 255, bao gồm:
(i) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
(ii) Phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm
(iii) Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP?
Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy với mức độ và hành vi vi phạm ở mức nhẹ, không đủ điều kiện xử lý hình sự thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, Điều 21quy định về hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Theo đó, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng”