1. Thực hiện pháp luật là gì?
Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích, nhằm hiện thực hoá các quy định của pháp luật, làm cho những quy định của pháp luật đi vào đời sống, trở thành những hành vi (hành động và không hành động) thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật.
Trong cơ chế điều chỉnh pháp luật thì thực hiện pháp luật là giai đoạn thứ hai, là giai đoạn quan trọng, không thể thiếu sau khi tiến hành giai đoạn xây dựng pháp luật. Thực tế cho thấy, pháp luật chỉ có thể phát huy giá trị đích thực đối với việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì trật tự xã hội khi được thực hiện đầy đủ, nghiệm minh trên thực tế. Thực hiện pháp luật cho phép làm rõ những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật thực định để từ đó có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành. Thực hiện pháp luật là nghĩa vụ của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Về phía nhà nước, thực hiện pháp luật là hình thức cơ bản để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Về phía các chủ thể khác, thực hiện pháp luật là hoạt động sử dụng các quyền pháp lý đồng thời thực hiện đúng các nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật đã quy định cho họ.
2. Các hình thức thực hiện pháp luật
Hệ thống quy phạm pháp luật rất phong phú, bao gồm các loại quy phạm pháp luật ngăn cấm, bắt buộc, cho phép, bởi vậy, cách thức thực hiện pháp luật cũng đa dạng. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý xác định thực hiện pháp luật bao gồm những hình thức sau:
2.1. Tuân thủ pháp luật
Tuân thủ pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế, không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Sự kiềm chế của các chủ thể pháp luật được hiểu là khi pháp luật quy định cấm làm một điều gì đó thì họ không tiến hành hoạt động này mặc dù họ có cơ hội để thực hiện một hành vi bị cấm. Ở hình thức này, hành vi của chủ thể thực hiện pháp luật được thể hiện dưới dạng không hành động và các quy định này thường được thể hiện dưới dạng cấm đoán. Chẳng hạn, công dân kiềm chế không thực hiện những hành vi trộm cắp, giết người mà Bộ luật Hình sự ngăn cấm.
2.2. Thi hành pháp luật
Thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó chủ thể tích cực thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình do pháp luật quy định. Hình thức thực hiện thường thể hiện dưới dạng những quy phạm bắt buộc. Chủ thể pháp luật phải tiến hành các hoạt động bắt buộc là khi họ ở trong điều kiện mà pháp luật quy định phải làm những việc mà nhà nước yêu cầu, họ không thể viện lý do để từ chối. Chẳng hạn, công dân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật.
2.3. Sử dụng pháp luật
Sử dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật chủ động, tự mình quyết định việc thực hiện hay không thực hiện điều mà pháp luật cho phép. Hình thức này thường thể hiện ở những quy phạm pháp luật quy định về quyền và tự do pháp lý của các chủ thể. Đây là hình thức chủ thể pháp luật thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật. Nhà nước tạo khả năng cho chủ thể pháp luật có thể được hưởng những quyền nào đó và họ căn cứ vào hoàn cảnh của mình để thực hiện những quyền này. Chẳng hạn, pháp luật quy định công dân có quyền khiếu nại, tố cáo. Như vậy hình thức này khác với hình thức trên ở chỗ chủ thể không bị buộc không được làm hoặc phải làm một việc nào đó mà được tự do lựa chọn theo ý chí của mình.
2.4. Áp dụng pháp luật
Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để ban hành ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể. Ở hình thức này, các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật luôn có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn, Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản.
Giữa các hình thức thực hiện pháp luật luôn có sự đan xen, gắn bó chặt chẽ với nhau, không biệt lập với nhau. Tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật và sử dụng pháp luật là hình thức mà mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật chỉ dành cho chủ thể có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật vừa là một hình thức thực hiện pháp luật vừa là một giai đoạn mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện các quy định pháp luật.