Thừa kế thế vị là gì? Trường hợp nào được áp dụng thừa kế thế vị? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu quy định về thừa kế thế vị theo Bộ luật Dân sự 2015.
1. Thừa kế thế vị là gì?
Về nguyên tắc thì kể từ thời điểm mở thừa kế người thừa kể là cá nhân thì phải còn sống vào thời điểm đó hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ khi người thừa kế không còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì con của người đó được hưởng phần di sản thừa kế của họ nếu còn sống, những trường hợp như vậy được gọi là thừa kế thế vị.
2. Trường hợp được thừa kế thế vị?
Quyền thừa kế thế vị được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Theo quy định trên có thể hiểu, nếu con của người để lại di sản không chết nhưng lại không có quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận thừa kế thì cháu của người để lại di sản không đương nhiên trở thành người thừa kế thế vị.
Nếu con và cháu của người để lại di sản chết cùng thời điểm với người để lại di sản, hoặc con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản nhưng chết sau con của người để lại di sản hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt của người để lại di sản sẽ được quyền hưởng di sản của cháu người để lại di sản được hưởng nếu còn sống.
Theo Điều 652 chúng ta có thể rút ra được các điều kiện để cháu hoặc chắt được hưởng thừa kế thế vị như sau:
Thứ nhất, phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu, hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại). Tức là con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.
Thứ hai, những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn luôn ở vị trí đời sau. Tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con đẻ hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.
Thứ ba, giữa họ phải có quan hệ huyết thống trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ). Tức là mối quan hệ giữa những người thân thuộc mà trong đó người này sinh ra người kia.
Thứ tư, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Thứ năm, người cha hoặc mẹ của người thừa kế thế vị khi còn sống không bị tước quyền thừa kế. Tức là người cha hoặc mẹ của người thừa thế kế vị không thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015).
Thứ sáu, bản thân người thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết.
Về quan hệ thừa kế thế vị liên quan đến con nuôi được quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Quy định trên cho thấy, con nuôi có quyền được hưởng các chế định về thừa kế quy định tại Điều 651 (người thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (thừa kế thế vị).
Theo quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Như vậy, để được quyền hưởng thừa kế di sản giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế theo quy định tại Điều 652 (thừa kế thế vị) và Điều 654 thì pháp luật quy định họ phải có quan hệ chăm sóc nhau như cha con, mẹ con.
3. Quyền và nghĩa vụ tài sản khi hưởng thừa kế thế vị?
Nghĩa vụ tài sản khi thừa kế thế vị là trách nhiệm, bổn phận của người thừa kế đối với phần di sản được hưởng. Quyền này được quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Nghĩa vụ tài sản thừa kế vị bao gồm: Nghĩa vụ trả nợ, đòi nợ, đóng thuế. Nghĩa vụ đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ. Nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người bị khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự theo di nguyện của ông bà để lại… Nếu cha mẹ chết, con cái, cháu chắt sau khi nhận thừa kế bắt buộc hoàn thành nghĩa vụ trên. Bất kì hành vi gian dối nào nhằm lẩn tránh trách nhiệm này nếu bị phát hiện, sẽ bị tước quyền thừa kế hoặc xử phạt hành chính, hình sự căn cứ vào mức độ hậu quả để lại.