Vấn đề về thừa kế thế vị theo Bộ luật Dân sự 2015
Quan hệ về thừa kế giữa người thừa kế với người để lại di sản là mối quan hệ giữa những người gần gũi, thân thích với nhau. Thừa kế theo pháp luật phụ thuộc vào ý chí của người làm luật chứ không dựa theo ý chí của người để lại di sản. Do đó, pháp luật Việt Nam luôn ra sức bảo vệ quyền và lợi ích của những người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, sau một thời gian quy định về thừa kế theo pháp luật được ban hành và có hiệu lực thì dã bộc lộ một số hạn chế, cụ thể là quan hệ thừa kế thế vị.
1. Đặt vấn đề
Ở nước ta, từ năm 1945 cho đến nay pháp luật về thừa kế được xậy dựng và hoàn thiện phù hợp với các quan hệ xã hội dân sự, theo đó quyền và lợi ích về tài sản của công dân được Nhà nước đặc biệt quan tâm và bảo vệ để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thừa kế là một chế định pháp luật có vai trò quan trọng trong việc dịch chuyển tài sản của người chết cho một hoặc một số người còn sống. Một trong những nội dung quan trọng của pháp luật thừa kế là pháp luật về thừa kế thế vị. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội qua các thời kỳ thì pháp luật về thừa kế của ở Việt Nam cũng có sự biến đổi và phát triển theo.
Kể từ khi Bộ luật Dân sự (sau đây xin gọi tắt là Bộ luật Dân sự) ra đời bao gồm: Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015. Bộ luật Dân sự 2015 được xem là văn bản pháp luật quy định chi tiết, cụ thể và rõ ràng nhất về pháp luật thừa kế thế vị. Tuy nhiên, sau hơn 04 năm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 cho đến nay Bộ luật Dân sự 2015 đã bộc lộ nhiều bất cập nhất định không phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật. Và trong số những bất cập, hạn chế đó không thể không nói đến vấn đề về thừa kế thế vị.
2. Quy định của pháp luật về thừa kế thế vị
Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng một phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Thế vị trong Hán – Việt có nghĩa là “thế” trong “thay thế” và “vị” trong “vị trí”.
Về nguyên tắc thì kể từ thời điểm mở thừa kế người thừa kể là cá nhân thì phải còn sống vào thời điểm đó hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ khi người thừa kế không còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì con của người đó được hưởng phần di sản thừa kế của họ nếu còn sống, những trường hợp như vậy được gọi là thừa kế thế vị.
Bên cạnh đó theo quy định trên có thể hiểu, nếu con của người để lại di sản không chết nhưng lại không có quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận thừa kế thì cháu của người để lại di sản không đương nhiên trở thành người thừa kế thế vị.
Nếu con và cháu của người để lại di sản chết cùng thời điểm với người để lại di sản, hoặc con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản nhưng chết sau con của người để lại di sản hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt của người để lại di sản sẽ được quyền hưởng di sản của cháu người để lại di sản được hưởng nếu còn sống.
Theo Điều 652 chúng ta có thể rút ra được các điều kiện để cháu hoặc chắt được hưởng thừa kế thế vị như sau:
Thứ nhất, phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu, hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại). Tức là con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.
Thứ hai, những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn luôn ở vị trí đời sau. Tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con đẻ hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.
Thứ ba, giữa họ phải có quan hệ huyết thống trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ). Tức là mối quan hệ giữa những người thân thuộc mà trong đó người này sinh ra người kia.
Thứ tư, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Thứ năm, người cha hoặc mẹ của người thừa kế thế vị khi còn sống không bị tước quyền thừa kế. Tức là người cha hoặc mẹ của người thừa thế kế vị không thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015).
Thứ sáu, bản thân người thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết.
Về quan hệ thừa kế thế vị liên quan đến con nuôi được quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Quy định trên cho thấy, con nuôi có quyền được hưởng các chế định về thừa kế quy định tại Điều 651 (người thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (thừa kế thế vị).
Theo quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Như vậy, để được quyền hưởng thừa kế di sản giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế theo quy định tại Điều 652 (thừa kế thế vị) và Điều 654 thì pháp luật quy định họ phải có quan hệ chăm sóc nhau như cha con, mẹ con.
3. Thực trạng và kiến nghị
3.1. Thực trạng áp dụng pháp luật về thừa kế thế vị của cháu và chắt và kiến nghị hoàn thiện
Một trong các điều kiện để cháu hoặc chắt được hưởng thừa kế pháp luật là người cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt khi còn sống không thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 (người không được quyền hưởng di sản).
Như vậy, trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt có một trong các hành vi được nêu tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì cháu hoặc chắt là người không có lỗi và cũng không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi do cha, mẹ của họ gây ra.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Chính vì lẽ đó không có lý do gì mà cháu hoặc chắt của người để lại di sản phải gánh chịu những hành vi độc lập của cha mẹ gây ra. Ví dụ: hành vi bạo hành nghiêm trọng người để lại di sản,…
Ngoài ra, quy định về người không có quyền hưởng di sản là một chế tài được pháp luật quy định để áp dụng đối với riêng người có lỗi. Vì vậy, quyền thừa kế thế vị của cháu hoặc chắt không thể bị pháp luật tước bỏ khi mà giữa cha, mẹ và các con hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự độc lập với nhau.
Nếu cha, mẹ của cháu hoặc chắt khi còn sống không có quyền hưởng di sản, thì cháu hoặc chắt cũng không có quyền hưởng thừa kế thế vị. Như vậy chẳng khác nào tư tưởng “quýt làm, cam chịu”, không phù hợp với xu hướng chung của pháp luật hiện nay và trái với quan niệm về thừa kế trong Nhân dân.
Có thể thấy, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định giống với Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 là phần của người không được hưởng di sản chuyển sang cho các đồng thừa kế; con, cháu của người này không được hưởng phần di sản mà người không được quyền hưởng di sản đáng ra được hưởng. Tuy nhiên, pháp luật của Pháp đã có sự thay đổi về vấn đề này từ năm 2001. Điều 729-1 Bộ luật Dân sự Pháp quy định trong trường hợp một người thừa kế không được hưởng di sản do có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với người để lại di sản, thì con của người không được hưởng di sản sẽ thế vào vị trí của người này, tức thực hiện các quyền của người thừa kế không được hưởng di sản. Nếu như vậy thì khác gì việc chế định về thừa kế thế vị của Việt Nam đang có xu hướng đi ngược lại với thế giới. Hay nói cách khác là đi chậm so với thời đại.
Thực tế, pháp luật Việt Nam cũng từng cho quy định về vấn đề này. Cụ thể trong Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 (Điều 315) và Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 (Điều 307) thì cha mẹ còn sống nhưng bị tước quyền hưởng di sản thì con cháu vẫn được quyền hưởng. Do vậy, theo quan điểm của tác giả để đảm bảo quyền, lợi ích của cháu và chắt của người để lại di sản thì Bộ luật Dân sự 2015 cần quy định bổ sung trường hợp cháu và chắt vẫn được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu và chắt khi còn sống đã bị kết án về một trong các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp cháu và chắt vi phạm một trong các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
3.2. Thực trạng áp dụng pháp luật về thừa kế thế vị giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế và kiến nghị hoàn thiện
Theo quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Trên thực tế, do một số người dân bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” nên mối quan hệ giữa con riêng và bố dượng hoặc con riêng và mẹ kế thường rất xa cách. Việc Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bố dượng, mẹ kế và con riêng được thừa hưởng di sản thừa kế của nhau đã góp phần thu ngắn lại khoảng cách giữa họ. Giúp giải quyết thỏa đáng quyền thừa kế theo pháp luật giữa con riêng và bố dượng mẹ kế. Bảo đảm quyền lợi về thừa kế theo pháp luật giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là nuôi dưỡng và chăm sóc nhau như cha con, mẹ con thì pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về việc này.
Có thể thấy, việc làm rõ khái niệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con riêng như thế nào cho giống cha con, mẹ con là một vấn đề quan trọng trong việc áp dụng pháp luật giải quyết vấn đề tranh chấp liên quan đến con riêng.
Mặc khác, trên thực tế xét xử đã cho phép con của con riêng của chồng hoặc vợ của người để lại di sản được hưởng thừa kế thế vị, điển hình là Bản án số 33/2011/DS-ST ngày 05/07/2011 của Tòa án nhân dân quận 2, TP.HCM :
Ông Cung và Bà Truyện có ba người con là ông Kính, ông Nhượng và ông Nhụ. Sau đó, bà Truyện chết, ông Cung sống chung như vợ chồng với bà Trâm nhưng cả hai không có con chung. Ông Kính có con là bà Thưa. Ông Cung, bà Trâm và bà Truyện chết (bà Trâm chết năm 2005) không để lại di chúc nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 đây là thừa kế theo pháp luật. Căn cứ Điều 676 Bộ luật Dân sự Hội đồng xét xử xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông Cung, bà Truyện và bà Trâm là ông Kính, Nhượng và Nhụ. Ông Nhụ chết năm 1972 không vợ con nên hàng thừa kế còn lại là ông Kính và ông Nhượng. Ông Kính là liệt sĩ chết năm 1974 là trước thời điểm mở thừa kế nên căn cứ Điều 677 Bộ luật Dân sự bà Thưa là thừa kế thế vị của ông Kính. Ông Kính trước khi đi gia nhập quân đội đều sống và ở chung nhà với bà Trâm, ông Nhượng cũng ở và chăm sóc cho bà Trâm sau này nên đều được xem xét quyền hưởng thừa kế như nhau. Điều này đã được ông Nhượng thừa nhận và cam kết cho bà Thưa được hưởng thừa kế thế vị của ông Kính là cha của bà Thưa tại biên bản hòa giải tại phường Thạnh Mỹ Lợi ngày 25/01/2005 nhưng trong quá trình điều tra hòa giải và tại phiên tòa ông Nhượng đã thay đổi ý kiến không thừa nhận tư cách thừa kế thế vị của bà Thưa, Hội đồng xét xử cho rằng, sự thay đổi của ông Nhượng là không có cơ sở.
Hội đồng xét sử nhận thấy: hàng thừa kế thứ nhất của cụ Cung là cụ Trâm, ông Nhượng và ông Kính có bà Thưa là thừa kế thế vị cho ông Kính; hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trâm là ông Nhượng và ông Kính có bà Thưa là thừa kế thế vị cho ông Kính.
Tác giả đồng ý với quan điểm giải quyết của Tòa án là chấp nhận thừa kế thế vị. Cụ thể, cụ Trâm là vợ cụ Cung và ông Kính là con riêng cụ Cung (tức cụ Trâm là mẹ kế của ông Kính) và Tòa án xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trâm là ông Kính, Nhượng và Nhu. Tuy nhiên, ông Kính đã chết trước cụ Trâm và bà Thưa được xác định là con của ông Kính. Tòa án đã theo hướng ông Nhượng, ông Kính có bà Thưa là thừa kế thế vị là các thừa kế của bà Trâm và đều được xem xét quyền thừa hưởng, thừa kế như nhau và quyết định xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trâm là ông Nhượng và ông Kính có bà Thưa là thừa kế thế vị cho ông Kính. Bộ luật Dân sự 2015 quy định con riêng được hưởng thừa kế phần di sản thừa kế của mẹ kế nếu thỏa mãn đủ các điều kiện về việc chăm sóc, nuôi dưỡng và xem nhau như cha, mẹ con và con của con riêng được quyền thừa kế thế vị di sản mà con riêng được nhận nếu còn sống.
Vì vậy, trong thời gian tới cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 về trường hợp thế nào là chăm sóc như cha con, mẹ con và việc con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con nếu được hưởng di sản của nhau thì sẽ được xác định là hàng thừa kế nào trong các hàng thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, việc xác định hàng thừa kế sau khi đã xác định được quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con thì điều luật lại không quy định trong trường hợp này thì con riêng, bố dượng, mẹ kế sẽ thuộc hàng thừa kế thứ mấy nếu đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật.
4. Kết luận
Ngay từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế đã có quyền yêu cầu được phân chia di sản. Để bảo vệ tinh thần đoàn kết giữa những người trong gia đình, bảo vệ quyền lợi của vợ và con chưa thành niên của người để lại di sản, duy trì sự ổn định của sản nghiệp gia đình pháp luật đưa ra những quy định cụ thể về chia thừa kế theo pháp luật bao gồm cả thừa kế thế vị. Tuy nhiên, xã hội phát triển không ngừng khiến cho chế định về thừa kế thế vị gặp phải không ít vấn đề khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.