1. Định nghĩa
Quy phạm pháp luật tài chính là những quy tắc xử sự do Nhà nước định ra, có tính phổ biến, tính bắt buộc chung và được bảo đảm thực hiện bằng sức cưỡng chế nhà nước.
2. Đặc điểm của các quy phạm pháp luật tài chính
Phần lớn các quy phạm pháp luật tài chính mang tính mệnh lệnh trực tiếp. Tính mệnh lệnh đó thường được bạo hàm ngay trong nội dung của quy phạm, thể hiện ở những cách xử sự, những hành vi bắt buộc các chủ thể phải làm, hoặc những hành vi bị cấm.
Đặc điểm này của các quy phạm pháp luật tài chính thể hiện phương pháp điều chỉnh của Luật Tài chính – phương pháp mệnh lệnh, quyền uy. Tuy nhiên tính mệnh lệnh này không phải được sử dụng như một thứ đặc quyền cho chủ thể mang quyền dùng để ra lệnh cho các chủ thể mang nghĩa vụ, mà nó được thể hiện ở mức độ ngang nhau đối với cả chủ thể mang quyền cũng như chủ thể mang nghĩa vụ. Do vậy, các quyền và nghĩa vụ tài chính thường được quy định, được thể hiện ngay trong quy phạm pháp luật tài chính. Các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật tài chính, dù là chủ thể mang quyền hay chủ thể mang nghĩa vụ cũng chỉ được phép thực hiện các quyền hay chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Các chủ thể tuyệt nhiên không được thay đổi quan hệ pháp luật, hay xử sự khác với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quy phạm pháp luật tài chính không hàm chứa tính mệnh lệnh trực tiếp mà thể hiện nguyên tắc hướng dẫn, định hướng cho xử sự của các bên.
3. Phân nhóm quy phạm pháp luật tài chính
Căn cứ vào tính chất của các quy tắc xử sự, có thể phân chia các quy phạm pháp luật tài chính thành 3 nhóm sau:
– Nhóm quy phạm bắt buộc. Là loại quy phạm quy định những việc làm (những hành vi) nhất định và buộc các chủ thể của quan hệ pháp luật tài chính phải thực hiện.
Đó chính là các quyền và nghĩa vụ tài chính được thực hiện thông qua những việc làm (hành vi) của các chủ thể. Nếu không làm là vi phạm pháp luật tài chính. Ví dụ quyền (hành vi) thu thuế của các cơ quan thuế, nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp.
– Nhóm quy phạm cấm đoán (cấm chỉ). Là loại quy phạm xác định một số hành vi nhất định và cấm các chủ thể của quan hệ pháp luật tài chính thực hiện những hành vi đó. Các quy phạm này thể hiện kỷ luật thu, chi tài chính – một lĩnh vực liên quan đến chuyển giao và sử dụng các nguồn vốn tiền tệ, liên quan đến lợi ích kinh tế của các chủ thể mà trước hết là lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Chính vì vậy pháp luật tài chính phải giả định để ngăn chặn các hành vi có thể làm phương hại đến lợi ích của các bên. Ví dụ một số hành vi bị cấm như: lập quỹ trái phép, để ngoài sổ sách kế toán các khoản thu, chi tài chính v.v...
– Nhóm quy phạm cho phép (trao quyền). Là loại quy phạm trao quyền cho các chủ thể trong một số quan hệ tài chính nhất định có thể lựa chọn làm hoặc không làm những việc nhất định. Trong cơ chế tập trung, bao cấp trước đây thường ít gặp loại quy phạm này. Tất nhiên trong những điều kiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, nhất là cơ chế tài chính doanh nghiệp, nhằm hạn chế sự chỉ đạo hành chính đối với các hoạt động kinh tế, phát huy quyền chủ động, tự chủ về tài chính của các doanh nghiệp thì loại quy phạm này xuất hiện nhiều hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính.
Xem thêm: Quy phạm pháp luật là gì