Theo quan điểm lý luận pháp luật truyền thống thì đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là phạm vi (nhóm) những quan hệ xã hội nhất định.
1. Đối tượng điều chỉnh của luật tài chính là gì?
Đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính là các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình hoạt động tài chính của Nhà nước, tức là hoạt động hình thành, phân phối và phân phối lại các quỹ tiền tệ. Các quan hệ này rất đa dạng, chúng khác nhau về nội dung và phạm vi những người tham gia”.
2. Đối tượng điều chỉnh của luật tài chính mang đặc trưng gì?
Theo quan điểm trên đây các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính có hai đặc trưng sau đây:
– Chúng được phát sinh trong quá trình hoạt động tài chính của Nhà nước. Và vì vậy trong các quan hệ tài chính, ít nhất một bên chủ thể luôn luôn là Nhà nước hoặc là các cơ quan đại diện của nó.
– Các quan hệ tài chính mang yếu tố tài sản vì chúng luôn gắn bó với việc chuyển giao các nguồn tài chính, các phương tiện tiền tệ.
Như vậy các quan hệ tài chính thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính theo cách nhìn nhận trên đây thuộc vào loại các quan hệ tài chính công, trong đó ít nhất một bên chủ thể trong các quan hệ đó là Nhà nước hoặc cơ quan (đại diện) của nó. Quan niệm trên đây xuất phát và bị chi phối bởi các quan điểm của thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung về cơ cấu sở hữu, cơ cấu các thành phần kinh tế và về cơ chế quản lý kinh tế, đặc biệt là sự tuyệt đổi hoá vai trò kế hoạch hoá của nhà nước và kinh tế quốc doanh, từ đó dẫn đến quan niệm tuyệt đối hoá tài chính nhà nước và độc quyền ngân hàng.
Tuy nhiên, trong các điều kiện của kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay, phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính được quan niệm rộng hơn trước đây. Nền kinh tế hàng hoá với nhiều thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường đã mở rộng phạm vi chủ thể hoạt động tài chính và sự đa dạng của các quan hệ tài chính. Đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính vượt ra ngoài phạm vi tài chính công, tài chính nhà nước (các quan hệ về tài chính – ngân sách; thuế, tài chính doanh nghiệp Nhà nước; quan hệ bảo hiểm, tín dụng được thực hiện bởi các tổ chức tài chính của Nhà nước vv...) bao gồm cả các quan hệ tài chính giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, quan hệ tài chính của các tổ chức, cá nhân trên thị trường tài chính v.v... không có sự tham gia của Nhà nước với tư cách là một bện chủ thể. Chúng ta có thể gọi nhóm quan hệ tài chính này là các quan hệ tài chính thị trường.

Các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính rất đa dạng và phong phú, có nhiều loại chủ thể tham gia, ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc đặc trưng hay phân loại các quan hệ tài chính là rất cần thiết, để từ đó xác định các biện pháp, cách thức tác động, điều chỉnh pháp lý phù hợp. Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính thường được phân chia theo hai cách dựa trên những tiêu thức khác nhau.
Cách thứ nhất. Căn cứ vào các lĩnh vực hoạt động tài chính (các khâu của hệ thống tài chính) mà trên đó các quan hệ tài chính được hình thành, các quan hệ thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính được phân chia thành các nhóm sau:
1. Các quan hệ tài chính – ngân sách. Đây là nhóm các quan hệ tài chính phát sinh gắn liền với việc hình thành, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước quỹ ngân sách Nhà nước;
2. Các quan hệ tài chính doanh nghiệp. Nhóm quan hệ này phát sinh trong hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp;
3. Các quan hệ tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Trong hoạt động của các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, có những quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính khi các tổ chức này huy động được những nguồn tài chính nhất định và đưa chúng trở lại thị trường tài chính phục vụ cho nhu cầu vốn đối với nền kinh tế.
4. Các quan hệ tín dụng. Các quan hệ tín dụng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Ngân hàng. Tuy nhiên trong những điều kiện của kinh tế thị trường, nhất là khi có sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính thì hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của các tổ chức trung gian tài chính (các ngân hàng, công ty tài chính) đều có liên quan trực tiếp đến việc hình thành các nguồn tài chính cho nhu cầu của nền kinh tế. Lúc này ranh giới phạm trù tài chính và phạm trù tín dụng trong hoạt động của các tổ chức này gần như bị xoá nhoà. Do vậy các quan hệ tín dụng mang tính tài chính cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính. Quan hệ trong lĩnh vực tín dụng Nhà nước chính là một dạng quan hệ tín dụng mang tính tài chính trên đây.
5. Các quan hệ tài chính trong khu vực dân cư, các tổ chức xã hội.
Cách thứ hai: Căn cứ vào hệ thống các chủ thể tham gia các hoạt động tài chính, người ta chia các quan hệ tài chính thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính thành các nhóm sau:
1. Quan hệ tài chính giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương với các cơ quan chính quyền địa phương trong việc kế hoạch hóa thu, chi tài chính, phân cấp ngân sách;
2. Quan hệ giữa các cơ quan tài chính, các tổ chức tín dụng với nhau, phát sinh trong lĩnh vực kế hoạch hóa tài chính, quản lý và sử dụng quỹ ngân sách Nhà nước và các quỹ tiền tệ khác;
3. Quan hệ tài chính giữa các cơ quan tài chính, các tổ chức tài chính với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các quan hệ này phát sinh trong việc cấp phát vốn (giao vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước), thu nộp thuế vào ngân sách Nhà nước;
4. Nhóm quan hệ tài chính giữa các cơ quan tài chính, các tổ chức tài chính với dân cư;
5. Nhóm quan hệ tài chính giữa các doanh nghiệp.
Cũng xin được nói thêm rằng, trong những điều kiện của kinh tế thị trường hiện nay và sự tác động của các quy luật khách quan của kinh tế thị trường đã làm thay đổi, phát sinh nhiều quan hệ kinh tế mới. Căn cứ vào những phân tích lý luận trên đây, chúng ta cũng có thể phân chia các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính thành hai nhóm: nhóm quan hệ tài chính công và nhóm quan hệ tài chính thị trường.
Xem thêm: Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh luật tài chính