1. Nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
Thứ nhất, đối với tác giả không phải là chủ sở hữu sáng chế có các quyền nhân thân như quyền được quyền ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế; được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế. Tác giả chỉ được hưởng quyền tài sản là quyền nhận thù lao theo quy định tại Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Điều 135, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả:
1. Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:
a) 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
b) 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
3. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao quy định tại khoản 2 Điều này là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
4. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí”.
Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thỏa thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng sáng chế. Nếu trường hợp sáng chế được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước.
Thứ hai, chủ sở hữu đối với sáng chế có các quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế; ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế; định đoạt sáng chế, quyền yêu cầu Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ, quyền chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế… Việc thực hiện các quyền này đối với sáng chế phải nằm trong yêu cầu bảo hộ được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ. Mặt khác, việc thực hiện các quyền này phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng quyền được xác lập trước nghĩa là quyền SHCN có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác được xác lập trước. Trong trường hợp này thì các quyền của chủ sở hữu đối với sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ sau sẽ bị hủy bỏ hiệu lực.
Trước hết, quyền sử dụng sáng chế tức là quyền sản xuất sản phẩm được bảo hộ; áp dụng quy trình được bảo hộ; khai thác những công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông hoặc nhập khẩu những sản phẩm nêu trên. Trong đó, việc lưu thông sản phẩm có thể bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm.
Mặt khác, chủ sở hữu sáng chế còn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế. Theo đó, chủ sở hữu sáng chế và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp sau:
– Sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;
– Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp;
– Sử dụng sáng chế chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;
– Sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật SHTT;
– Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật SHTT.
Ngoài ra, pháp luật cũng xác định hành vi xâm phạm độc quyền sáng chế. Theo đó, hành vi sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu hoặc sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật SHTT 2005 thì bị xem là hành vi xâm phạm độc quyền sáng chế.
Điều 131, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định Quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
1. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp biết rằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo SHCN để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
2. Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng.
3. Trong trường hợp đã được thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì khi Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp, chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu sáng chế còn có quyền chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế theo quy định của pháp luật. Chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế là một quyền cơ bản của chủ sở hữu chứng tỏ tính “tài sản” của quyền này. Theo đó, quyền SHCN được xem là một loại tài sản trí tuệ phi vật chất mà người chủ sở hữu quyền SHCN chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Pháp luật quy định việc chuyển nhượng quyền SHCN phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo quy định. Ngoài ra, việc chuyển quyền SHCN chỉ được thực hiện trong phạm vi được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ đồng thời bị giới hạn bởi các điều kiện mà pháp luật quy định.
Điều 139, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng:
1. Chủ sở hữu quyền SHCN chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.
3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó”
Mặt khác, chủ sở hữu có quyền chuyển quyền sử dụng sáng chế với tư cách là một đối tượng của SHCN. Theo Điều 141, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN là việc chủ sở hữu đối tượng SHCN cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng SHCN thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Như vậy, khác với việc chuyển quyền sở hữu là chủ sở mất quyền sở hữu sau khi thực hiện hành vi chuyển nhượng, trường hợp này chủ sở hữu vẫn còn nguyên quyền sở hữu mà cho phép thêm các tổ chức cá nhân quyền được sử dụng sáng chế thuộc quyền sở hữu của mình.
Đối với việc chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN, pháp luật cũng yêu cầu dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, đồng thời việc chuyển quyền sử dụng tuân thủ hạn chế mà pháp luật quy định. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Điều 136, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu:
1. Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho
người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này.2. Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này
Mặt khác, để đảm bảo các lợi ích chung của quốc gia hoặc toàn xã hội, pháp luật quy định việc bắt buộc chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế với tư cách là một đối tượng SHCN. Theo đó, trong các trường hợp cụ thể, theo quyết định của Bộ KH&CN, hoặc các Bộ và cơ quan ngang bộ khác ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mà không cần được sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế.
Điều 145, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế:
1. Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:
a) Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;
b) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật này sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;
c) Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;
d) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
2. Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao quy định tại khoản 1 Điều này không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.
Tuy nhiên, để vừa đảm bảo lợi ích của xã hội đồng thời không làm thiệt hại đến quyền lợi của người chủ sở hữu sáng chế, pháp luật cũng quy định việc đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc trên tinh thần hỗ trợ.
Điều 24, Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định giá đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc:
1. Giá đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 146 của Luật SHTT được xác định theo giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao, trên cơ sở xem xét các yếu tố sau:
a) Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng;
b) Kinh phí đầu tư để tạo ra sáng chế, trong đó phải xem xét đến phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có);
c) Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;
d) Thời gian hiệu lực còn lại của văn bằng bảo hộ;
đ) Mức độ cần thiết của việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
e) Các yếu tố khác trực tiếp quyết định giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao.
2. Giá đền bù không vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo sáng chế, với điều kiện bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể thành lập hội đồng định giá hoặc trưng cầu giám định để xác định giá đền bù quy định tại khoản 1 Điều này”.
Mặt khác, luật pháp cũng quy định các điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc, cụ thể quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau:
– Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;
– Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 145 của Luật này. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;
– Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;
– Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thoả đáng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.
Ngoài các điều kiện quy định này, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật SHTT còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;
– Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.
Điều 137, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc:
1. Sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (sau đây gọi là sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản.
2. Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý.
Trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này”
2. Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
Quyền SHCN đối với sáng chế của các chủ sở hữu trong một số trường hợp bị hạn chế. Những hạn chế này chủ yếu thể hiện khía cạnh quyền đi đôi với nghĩa vụ khi chủ thể thực hiện các quyền của mình liên quan đến sáng chế với tư cách là một đối tượng SHCN. Theo quy định tại Điều 132 Luật SHTT, quyền SHCN có thể bị hạn chế bởi các yếu tố như quyền của người sử dụng trước đối với sáng chế, thực hiện các nghĩa vụ của chủ sở hữu, bao gồm: trả thù lao cho tác giả sáng chế và nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ nhất, đối với quyền sử dụng trước đối với sáng chế.
Đây là trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu có của đơn đăng ký sáng chế mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế. Đây là một quy định cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp cho những tổ chức cá nhân có liên quan đến sáng chế đang được xem xét để cấp văn bằng bảo hộ. Về mặt pháp lý, quyền SHCN đối với sáng chế chưa được xác lập cho đến ngày sáng chế đó được cấp văn bằng bảo hộ, cho nên việc sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện để sử dụng của các tổ chức, cá nhân là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, việc sử dụng trước này phải kèm theo các điều kiện ràng buộc nhất định.
Thứ hai, chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả theo quy định là:
– 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế;
– 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.
Trong trường hợp sáng chế được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao quy định nêu trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế.
Thứ ba, quyền của chủ sở hữu còn bị giới hạn bởi quyền sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước. Điều 133 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định bộ, cơ quan ngang bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền (người nắm độc quyền sử dụng sáng chế). Việc sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước này chỉ được giới hạn trong phạm vi và điều kiện chuyển giao quyền sử dụng quy định của pháp luật trừ trường hợp sáng chế được tạo ra bằng việc sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.
Khi có các nhu cầu này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế theo quy định của pháp luật. Quy định này xuất phát từ nhu cầu bức thiết của quốc gia hay của xã hội và trong điều kiện chủ sở hữu không đồng ý thực hiện nghĩa vụ của mình thì cần phải chuyển quyền sử dụng sáng chế cho người khác để họ phục vụ quốc gia, xã hội.
Thứ tư, chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc. Sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (gọi là sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản. Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý. Nếu trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản theo quy định của pháp luật.