1. Tên miền là gì?
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT, tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Tên miền bao gồm:
– Tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII, sau đây gọi là tên miền mã ASCII;
– Tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia, sau đây gọi là tên miền đa ngữ (IDN).

2. Tên miền có được bảo hộ với tư cách là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ không?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12), quy định về những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như sau:
Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Theo đó, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được chia thành ba nhóm chính như sau:
– Đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan: Bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
– Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: Bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
– Đối tượng quyền đối với giống cây trồng: Bao gồm vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Như vậy, tên miền không thuộc bất kỳ nhóm đối tượng nào được liệt kê ở trên. Do đó, tên miền không được bảo hộ với tư cách là đối tượng của quyền Sở hữu trí tuệ.
Lưu ý: Dù tên miền không được bảo hộ với tư cách là đối tượng của quyền SHTT, nhưng tên miền có mối liên hệ chặt chẽ với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, là các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Việc sử dụng tên miền có thể bị coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý nếu nó trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ của chủ thể khác. Trong trường hợp đó, chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có thể có các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền của mình liên quan đến tên miền. (Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tụệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 50 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15)
3. Hành vi vi phạm quy định về tên miền bị xử lý như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 16, điểm c khoản 18 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ( được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b, c khoản 13 Điều 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, điểm c Khoản 13 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP), quy định mức xử phạt khi vi phạm quy định về tên miền như sau:
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu hoặc lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính.
– Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại tên miền.