Những điều cần biết về công bố di chúc

0

Sau khi được nhận thừa kế theo di chúc, những người thừa kế chắc sẽ khá thắc mắc di chúc sẽ được công bố thế nào? Họ sẽ nhận tài sản thừa kế ra sao. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu một số vấn đề về việc công bố di chúc


1. Có bắt buộc phải công bố di chúc không

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, di chúc phải được lập di người để lại di sản đang còn sống, tỉnh táo, sáng suốt, minh mẫn và không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép lại di chúc.

Di chúc có thể do người để lại di sản tự lập bằng văn bản hoặc có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo quy định. Tuy nhiên, di chúc được lập phải là di chúc hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

– Người lập di chúc lập theo ý chí của mình, có trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.

– Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội…

Đồng thời, khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, khi người có tài sản chết thì di chúc của người đó sẽ có hiệu lực. Và để người thừa kế có thể làm thủ tục nhận di sản thì bản di chúc này phải được công bố trước những người thừa kế.


2. Thời điểm công bố di chúc là khi nào?

Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế

Đồng thời điểm c khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.

Như vậy, sau khi người lập di chúc chết, người đang giữ di chúc phải giao di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc. Tuy nhiên, việc công bố này không bắt buộc phải cùng thời điểm với thời điểm mở thừa kế.

Hình minh họa. Những điều cần biết về công bố di chúc

3. Ai là người có trách nhiệm công bố di chúc?

Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 647 Bộ luật dân sự 2015, người công bố di chúc được quy định như sau:

– Di chúc bằng văn bản lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng: Công chứng viên là người công bố di chúc.

– Người lập di chúc chỉ định người công bố di chúc: Người được chỉ định có nghĩa vụ công bố di chúc.

– Người lập di chúc không chỉ định hoặc có nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc: Những người thừa kế thỏa thuận để cử một người đứng ra công bố di chúc.

Như vậy, tùy vào việc di chúc có cử người công bố không hoặc người lập di chúc gửi di chúc tại đâu để xác định người công bố di chúc.


4. Địa điểm công bố di chúc

Hiện nay, không có quy định cụ thể về địa điểm công bố di chúc nhưng khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về địa điểm mở thừa kế như sau:

Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Do đó, nếu người lập di chúc chết, địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp nơi cư trú cuối cùng của người lập di chúc không xác định được thì nơi mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Theo phân tích ở trên, di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người lập di chúc chết) và pháp luật chỉ yêu cầu công bố di chúc sau khi mở thừa kế. Do đó, sẽ xuất hiện hai tình huống:

– Thời điểm mở thừa kế trùng với thời điểm công bố di chúc: Địa điểm công bố di chúc sẽ trùng với địa điểm mở thừa kế (là nơi cư trú cuối cùng của người lập di chúc hoặc nơi có toàn bộ/phần lớn di sản nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng).

– Thời điểm công bố di chúc không trùng với thời điểm mở thừa kế: Trường hợp này pháp luật không quy định nên những người thừa kế có thể thỏa thuận địa điểm công bố di chúc.


5. Một số lưu ý khác khi công bố di chúc

Khi thực hiện thủ tục công bố di chúc, người công bố cũng như người thừa kế theo di chúc cần lưu ý những quy định nêu tại Bộ luật Dân sự sau đây:

– Sau khi người lập di chúc chết, người được người lập di chúc yêu cầu giữ di chúc giao cho các thừa kế hoặc người công bố di chúc bằng văn bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và ít nhất 02 người làm chứng.

– Người công bố di chúc được người lập di chúc chỉ định có thể từ chối thực hiện việc công bố.

– Những người thừa kế có thể thỏa thuận cử người công bố di chúc nếu trong di chúc không chỉ định hoặc người được chỉ định công bố di chúc từ chối.

– Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải gửi bản sao di chúc đến tất cả những người có liên quan đến di chúc.

– Người thừa kế theo di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu bản gốc di chúc.

– Di chúc lập bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng hoặc chứng thực.

5/5 - (94 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn cũng thích
Để lại phản hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai.