1. Hình phạt là gì?
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Miễn hình phạt là gì? Trường hợp nào được miễn hình phạt?
Miễn hình phạt có thể hiểu là việc không buộc người phạm tội đã bị kết án phải chịu hình phạt về tội mà họ đã thực hiện. Về bản chất thì người phạm tội đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được miễn, không phải chịu hình phạt, khi đáp ứng các yêu cầu của luật định.
Miễn hình phạt được quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 59. Miễn hình phạt
Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 54 là trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Đó là áp dụng trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc phạm tội lần đầu trong vụ án có đồng phạm với vai trò giúp sức và sự đóng góp không đáng kể. Như vậy việc áp dụng quy định tại Điều 54 đã là một việc có lợi đáng kể đối với người phạm tội. Tuy vậy đến điều luật này sự có lợi ấy lại được nâng lên một cấp độ cao hơn đó là miễn hình phạt. Lưu ý là miễn hình phạt chứ không phải là miễn trách nhiệm hình sự, nghĩa là người phạm tội vẫn bị điều tra, truy tố và xét xử bình thường nhưng đáng được khoan hồng đặc biệt nên miễn hình phạt phải chấp hành.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung