Việc yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ là quyền của các đương sự khi tham gia giải quyết vụ án dân sự. Dưới đây là mẫu đơn yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ và giải đáp một số vấn đề liên quan.
1. Mẫu đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ
Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự được Toà án thụ lý có quyền yêu cầu Toà án thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ nếu họ không thể tự thu thập được.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định về mẫu đơn yêu cầu Toà án thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ cũng như không quy định cụ thể về nội dung này nên nhiều đương sự vẫn lúng túng trong việc làm đơn yêu cầu.
Hiểu được vấn đề mà nhiều đương sự gặp phải trong việc yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ, Hieuluat.vn xin cung cấp mẫu đơn yêu cầu Toà án thu thập tài liệu dưới đây để quý bạn đọc có cơ sở, căn cứ soạn thảo đơn nhanh chóng, chính xác theo quy định pháp luật:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…………, ngày…. tháng…. năm…….
ĐƠN YÊU CẦU TÒA ÁN THU THẬP CHỨNG CỨ
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN ………..….
Tôi tên là:…………………………………… Sinh năm:………………………
Số CCCD/CMND:……………………. Ngày cấp…./…./……..tại…………….
Nơi cư trú hiện nay:……………………………………………………………..
Số điện thoại liên hệ:…………………….………………….…………………..
Tôi là nguyên đơn/ bị đơn trong vụ án dân sự ……….. được Toà án nhân dân…….vào sổ thụ lý số……. ngày…. tháng… năm….
Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:
e) Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;…”
Nên tôi làm đơn này kính đề nghị Quý Tòa xem xét, tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan để vụ tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng, công minh và chính xác.
Tôi xin cam đoan toàn bộ nội dung trên hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về những nội dung này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm đơn |
Mẫu đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ:
2. Cá nhân, tổ chức nào có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ?
Hiện nay, để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự nhanh chóng, hợp tình hợp lý, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự nên Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành đã quy định Toà án là cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ các bên tham gia trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Vậy có phải mọi đương sự và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự đều có quyền yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ hay không?
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự:
– Đương sự của vụ án có quyền đề nghị Toà án xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án mà mình không thể tự thực hiện thu thập được theo quy định tại khoản 7 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự phân công thực hiện việc kiểm sát tuân thủ theo pháp luật trong tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án thực hiện việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành cũng quy định về trách nhiệm của Toà án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định.
Như vậy, Toà án không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải quyết vụ án dân sự mà còn là cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của các bên đương sự cũng như Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.
Việc quy định cho các cá nhân, tổ chức có liên quan được quyền yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án là quy định hợp lý bởi Toà án là cơ quan tư pháp, nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để ban hành bản án hợp tình, hợp lý nên việc thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ sẽ dễ dàng nhận được sự phối hợp tốt hơn từ các cá nhân, tổ chức được yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Bên cạnh đó, việc cho phép các đương sự yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ cũng là quy định thể hiện tốt được tính làm chủ của Toà án hiện nay.
3. Toà án sử dụng những biện pháp nào để thu thập chứng cứ theo yêu cầu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì chứng cứ trong vụ án dân sự được xác định là những gì có thật được các đương sự cũng như các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có liên quan giao nộp và xuất trình cho Toà án trong quá trình thực hiện tố tụng dân sự hoặc là tài liệu do Toà án tự thu thập theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự này.
Các tài liệu này phải được Toà án sử dụng để làm căn cứ trong việc xác định các tình tiết khách quan cũng như xác định các yêu cầu của các bên tham gia tố tụng là có hợp pháp hay không.
Theo quy định trên, có thể thấy các tài liệu được Toà án thu thập và sử dụng trong quá trình tố tụng dân sự của vụ án dân sự được xem là chứng cứ của vụ án.
Vậy Toà án thường sử dụng những biện pháp nào để thực hiện thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự, Kiểm sát viên?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, nếu các đương sự, Kiểm sát viên có yêu cầu thì Toà án có thể áp dụng các biện pháp sau để thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ:
– Thực hiện lấy lời khai của các đương sự, người làm chứng (nếu có);
– Tổ chức đối chất giữa các đương sự trong vụ án với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng (nếu có);
– Thực hiện trưng cầu giám định;
– Tổ chức xem xét, làm nhiệm vụ thẩm định tại chỗ;
– Yêu cầu cơ quan định giá định giá tài sản có liên quan đến việc giải quyết vụ án;
– Uỷ thác cho các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ;
– Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp cho Toà án các tài liệu đọc được, nghe-nhìn được hoặc các hiện vật khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án;
– Thực hiện xác minh sự mặt hoặc vắng mặt của các đương sự tại nơi cư trú của họ;
– Toà án có thể thực hiện các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ khác phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự này.
Như vậy, Toà án có thể áp dụng các biện pháp nêu trên để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án dân sự mà Toà đã thụ lý.
4. Toà án có được uỷ quyền cho tổ chức khác thu thập chứng cứ không?
Như đã phân tích trên, Toà án có thể thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ bằng cách uỷ thác cho các cơ quan, tổ chức khác có liên quan thu thập tài liệu, chứng cứ giúp mình. Việc uỷ thác cho các cơ quan, tổ chức khác thu thập chứng cứ được thực hiện trong các trường hợp cụ thể sau:
– Uỷ thác cho Toà án khác có thẩm quyền thực hiện thu thập chứng cứ theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án dân dân tối cao ban hành năm 2017;
– Uỷ thác cho cơ quan khác có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và quy định của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.