1. Khái niệm chứng cứ
Khái niệm chứng cứ là một trong những nội dung quan trọng của lý luận về chứng cứ. Khái niệm chứng cứ là cơ sở để giải quyết một loạt vấn đề liên quan như các thuộc tính của chứng cứ, các thủ tục thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ… góp phần quyết định vào việc giải quyết đúng đắn, khách quan từng vụ án hình sự; định nghĩa chính xác khái niệm chứng cứ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định địa vị pháp lý (quyền và nghĩa vụ tố tụng hình sự) của những người tham gia tố tụng, bảo đảm các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Do có vai trò quan trọng như vậy, cho nên khái niệm chứng cứ được người làm luật xác định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định các nguồn chứng cứ là vật chứng; lời khai, lời trình bày của những người tham gia tố tụng; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế; các tài liệu, đồ vật khác (khoản 1 Điều 87).
Như vậy, chứng cứ là những thông tin có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án được chứa đựng trong các nguồn khác nhau được quy định. Vì vậy, cần phân biệt chứng cứ với nguồn chứng cứ. Chứng cứ là các thông tin được chứa đựng trong các nguồn chứng cứ, do vậy, các nguồn không phải là chứng cứ. Tuy nhiên, bất kỳ chứng cứ nào cũng được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định để bảo đảm cho chứng cứ được đúng đắn, khách quan, hợp pháp. Trong lý luận cũng như thực tiễn tố tụng, không phải lúc nào chứng cứ và nguồn chứng cứ cũng được phân biệt rõ ràng.
Việc thu thập chứng cứ mà pháp luật tố tụng hình sự quy định được hiểu là thu thập nguồn chứng cứ hoặc thu thập ngay chính chứng cứ. Thu thập con dao dính máu tại hiện trường vụ án là thu thập nguồn chứng cứ, thế nhưng thu thập máu đọng lại trên nền nhà nơi xảy ra vụ án giết người qua khám nghiệm hiện trường lại là thu thập chứng cứ.
Khái niệm chứng cứ phải bao hàm được mối quan hệ giữa hình thức tố tụng và bản chất khách quan của chứng cứ, chủ thể và đối tượng chứng minh cũng như thể hiện đầy đủ các yếu tố nội hàm đặc trưng của chứng cứ.
Từ những phân tích trên, căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có thể đưa ra định nghĩa khái niệm khoa học về chứng cứ như sau: Chứng cứ là những gì có thật được xác định bằng các nguồn nhất định và được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định mà chủ thể chứng minh dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
2. Các thuộc tính của chứng cứ
Khái niệm chứng cứ nêu trên thể hiện đầy đủ các thuộc tính cần và đủ mà bất kỳ chứng cứ nào cũng phải có. Đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ. Việc phân tích các thuộc tính của chứng cứ có ý nghĩa quan trọng không chỉ về lý luận mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt thực tiễn, giúp cho nhà làm luật quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ các trình tự, thủ tục của quá trình chứng minh, giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ đúng thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án chính xác, khách quan.
2.1. Tính khách quan của chứng cứ
Tính khách quan là một trong những thuộc tính quan trọng của chứng cứ. Theo định nghĩa thì chứng cứ là những gì có thật. Điều đó có nghĩa rằng chứng cứ là những thông tin, tài liệu, đồ vật khách quan, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Các thông tin, tài liệu, đổ vật đó phù hợp với các tình tiết của vụ án đang được chứng minh. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tính khách quan của chứng cứ được gọi là tính xác thực của chứng cứ (khoản 1 Điều 108).
Cũng có ý kiến cho rằng một số chứng cứ chứa đựng trong lời khai của người tham gia tố tụng thì khó mang tính khách quan, dù ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng của yếu tố chủ quan, của ý chí người khai báo. Thực ra, chứng cứ trong lời khai của người tham gia tố tụng là những thông tin về tội phạm được phản ánh khách quan trong ý thức người chứng kiến sự việc phạm tội đó. Vì vậy, về bản chất các thông tin được khai báo là khách quan. Tuy nhiên, do tác động của các yếu tố khác nhau (như khả năng tiếp nhận thông tin, quan hệ với người phạm tội, bị hại, động cơ khai báo…) mà thông tin đó được tiếp nhận hoặc cung cấp sai lệch. Nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng là kiểm tra xem các thông tin đó có khách quan hay không. Các thông tin mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hay người có thẩm quyền khác nhận được mà không khách quan thì dù bất kỳ lý do gì đều không được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh.
Những thông tin, tài liệu, đồ vật dù tồn tại trên thực tế nhưng bị xuyên tạc, bóp méo hay bị làm giả theo ý chí chủ quan thì không còn mang tính khách quan. Vì vậy, những thông tin, tài liệu, đồ vật đó không thể là chứng cứ của vụ án được.
Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, việc xác định đúng đắn tính khách quan của chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong chứng minh tội phạm. Việc sử dụng các thông tin, tài liệu bị bóp méo, bị xuyên tạc, bị làm giả để chứng minh cũng như kiểm tra, đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào suy luận chủ quan của nguồn chứng cứ (suy luận chủ quan của người cung cấp lời khai, người báo cáo…) sẽ làm cho việc chứng minh thiếu chính xác, sự thật khách quan không được xác định. Trong bối cảnh đó vụ án sẽ được giải quyết sai lệch dẫn đến oan, sai.
2.2. Tính liên quan của chứng cứ
Chứng cứ là những thông tin, tài liệu, đồ vật mà cơ quan, người có thẩm quyền dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một vụ án hình sự, thông thường nhiều thông tin, tài liệu được thu thập. Tuy nhiên, không phải tất các thông tin, tài liệu thu thập được đều là chứng cứ mà chỉ các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án, tức là được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án mới là chứng cứ.
Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở mối liên hệ khách quan của các thông tin, tài liệu với các tình tiết của vụ án cần được xác định. Mối quan hệ này thể hiện ở hai mức độ khác nhau:
– Ở mức độ thứ nhất, mối quan hệ của chứng cứ với đối tượng chứng minh. Đây là mối quan hệ cơ bản, chủ yếu. Thể hiện mối quan hệ này, chứng cứ được dùng làm căn cứ để giải quyết thực chất vụ án, tức xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt, các biện pháp tư pháp…
– Ở mức độ khác, có những thông tin, tài liệu, đồ vật không được dùng làm căn cứ trực tiếp để giải quyết thực chất vụ án nhưng lại được dùng để xác định các tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Trong trường hợp này tính liên quan của chúng được thể hiện một cách gián tiếp. Mặc dù là quan hệ gián tiếp nhưng trong nhiều trường hợp việc chứng minh tội phạm không thể thiếu được các thông tin, tài liệu, đổ vật này. Ví dụ: Lời khai của người làm chứng rằng vào thời điểm tội phạm xảy ra, người bị tạm giữ có mặt tại nơi xảy ra tội phạm. Mặc dù người làm chứng không thấy được việc người bị tạm giữ có thực hiện hành vi phạm tội hay không nhưng lời khai đó của họ cũng giúp cho cơ quan điều tra trong việc xác lập giả thuyết điều tra, lời khai đó cũng có thể dùng để bác bỏ lời khai của người bị tạm giữ về tình trạng ngoại phạm của mình…
Để coi một thông tin, tài liệu, đồ vật có phải là chứng cứ hay không, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải xác định được tính liên quan của thông tin, tài liệu, đồ vật đó ở cả hai mức độ. Tính liên quan của chứng cứ được xác định dựa vào đối tượng chứng minh được quy định. Nếu thông tin, tài liệu, đồ vật không có ý nghĩa trong giải quyết vụ án thì chúng thiếu tính liên quan, vì vậy không phải là chứng cứ.
2.3. Tính hợp pháp của chứng cứ
Tính hợp pháp của chứng cứ là sự phù hợp của nó với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tính hợp pháp của chứng cứ thể hiện trong các mặt sau đây:
– Chứng cứ được xác định bằng nguồn nhất định theo quy định của pháp luật. Những thông tin, tài liệu, đồ vật tuy tồn tại trong thực tế và có liên quan đến vụ án nhưng không được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định thì không được coi là chứng cứ.
Theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chứng cứ phải được xác định bằng một trong các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
Chứng cứ của vụ án có thể được xác định bằng một hay nhiều nguồn khác nhau mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.
– Tính hợp pháp của chứng cứ đòi hỏi không chỉ ở việc chứng cứ phải được lưu giữ trong một nguồn nhất định mà còn đòi hỏi mỗi loại chứng cứ phải được xác định bằng nguồn tương ứng xác định. Ví dụ: Lời khai của người tham gia tố tụng được thể hiện trong các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung hoặc biên bản phiên tòa.
Tính hợp pháp đòi hỏi chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Theo khoản 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, “Nhữnggì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Tuỳ theo đặc điểm, tính chất của từng loại chứng cứ mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các trình tự, thủ tục thu thập khác nhau nhằm bảo đảm tính khách quan và giá trị chứng minh của chứng cứ trong tất cả các giai đoạn tố tụng.
Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ bằng cách lấy lời khai, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của pháp luật (Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chỉ được dùng làm chứng cứ nếu họ nói rõ vì sao biết được tình tiết mà họ trình bày (các điều 91, 92, 93 và 94 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật (Điều 105); các tình tiết không được mô tả trong biên bản thu giữ vật chứng thì không phải là chứng cứ và không có giá trị chứng minh. Ví dụ: Trong biên bản thu giữ vật chứng là cái áo của người phạm tội có miêu tả rằng áo thiếu một cúc và các cúc áo còn lại giống cúc áo thu giữ được tại hiện trường vụ án giết người và không miêu tả gì thêm. Thế nhưng sau đó cơ quan giám định lại phát hiện trên ống tay áo có vết máu thì kết luận giám định về vết máu đó không phải là chứng cứ vì vết máu không được mô tả trong biên bản khi thu giữ chiếc áo.
Các hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ như khám người (Điều 194), khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện (Điều 195), khám nghiệm hiện trường (Điều 201), khám nghiệm tử thi (Điều 202), xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 203)… phải có người chứng kiến, nếu thiếu người chứng kiến thì thông tin, tài liệu, đồ vật thu giữ được trong các hoạt động đó không được sử dụng làm chứng cứ.
Tính hợp pháp của chứng cứ đòi hỏi việc thu thập phải đúng trình tự do pháp luật quy định. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có không ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu giữ đồ vật, tài liệu không đúng thủ tục rổi sau đó mới tiến hành “hợp pháp hoá” để đưa vào hồ sơ vụ án hoặc “hợp pháp hoá” tài liệu trinh sát để sử dụng làm chứng cứ… Trong các trường hợp đó chứng cứ đều thiếu tính hợp pháp nên không thể có giá trị chứng minh trong tố tụng hình sự.
Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp là các thuộc tính cần và đủ của chứng cứ. Chúng thể hiện các mặt khác nhau của chứng cứ nhưng liên quan rất chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất về nội dung cũng như hình thức, bảo đảm cho chứng cứ có giá trị chứng minh. Các thuộc tính đều có ý nghĩa pháp lý như nhau, không được coi thường một thuộc tính nào. Thiếu một trong các thuộc tính này thông tin, tư liệu thu thập được không thể được coi là chứng cứ.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy thông thường cơ quan tiến hành tố tụng ít coi trọng tính hợp pháp của chứng cứ. Nhiều trường hợp, vụ án được giải quyết trên cơ sở những chứng cứ được thu thập bất hợp pháp như hợp thức hóa nguồn chứng cứ, thu thập không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, thu thập lời khai bằng cách bức cung, mớm cung, dùng nhục hình… nên dẫn đến sai lầm trong giải quyết thực chất vụ án. Trong số đó có những trường hợp xảy ra oan, sai nghiêm trọng.