1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển hành khách là gì?
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho giao lưu hàng hoá, nhu cầu đi lại tăng lên và cùng với nó là sự phát triển của các hình thức vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng các phương tiện vận tải như tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, máy bay... Các hình thức vận tải đó được thực hiện bởi các doanh nghiệp của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Để thống nhất quản lý ngành vận tải, bảo đảm sự bình đẳng về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách, bảo đảm lợi ích của khách hàng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định về các điều kiện kinh doanh của chủ các phương tiện giao thông, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Hợp đồng vận chuyển hành khách là một loại hợp đồng dân sự tương đối phổ biến nhưng do tính chất phức tạp và nguy hiểm của quá trình vận tải cho nên loại hợp đồng này có những đặc điểm riêng như: địa điểm thực hiện hợp đồng do Nhà nước quy định (bến xe, nhà ga…). Đối với một số phương tiện như xe lửa, máy bay, tàu thủy, các bên không được phép tự do thỏa thuận về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, giá cước vé do Nhà nước quy định. Khi hành khách muốn đi lại trong nước bằng phương tiện vận tải phải mua vé và xuất trình với người quản lý phương tiện vận tải trước khi xuất phát. Trong quá trình vận chuyển, hành khách phải tuyệt đối chấp hành điều lệ vận chuyển hành khách bằng các phương tiện vận tải mà hành khách đã mua vé.
Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận về các hoạt động vận chuyển hành khách, được ký kết giữa chủ phương tiện vận tải hoặc đại diện hợp pháp quản lý phương tiện với hành khách hoặc người đại diện của hành khách.
Trong hợp đồng vận chuyển hành khách, chủ thể của hợp đồng là bên vận chuyển và hành khách. Bên vận chuyển có thể là pháp nhân hoặc cá nhân được phép kinh doanh vận chuyển hành khách. Đối với một số loại phương tiện giao thông như: máy bay, tàu hỏa do doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm.
Hành khách là cá nhân đi trên các phương tiện giao thông vận tải có mua vé hợp lệ.
2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng vận chuyển hành khách
2.1. Hợp đồng vận chuyển hành khách là hợp đồng song vụ
Bên vận chuyển có quyền yêu cầu hành khách mua vé theo quy định và chấp hành đầy đủ các quy định về vận chuyển hành khách. Bên vận chuyển có nghĩa vụ xuất hành đúng giờ, trả khách đúng địa điểm…
Bên hành khách có nghĩa vụ mua vé và ngồi đúng chỗ quy định trên vé, trong thời gian vận chuyển phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của bên vận chuyển về an toàn giao thông. Bên hành khách có quyền yêu cầu bên vận chuyển chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách.
2.2. Hợp đồng vận chuyển hành khách là hợp đồng có đền bù
Vận chuyển hành khách là loại dịch vụ kinh doanh có điều kiện, tiền mua vé là lợi ích vật chất mà bên vận chuyển hướng tới. Nếu kinh doanh thua lỗ kéo dài, các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách buộc phải giải thể.
2.3. Hợp đồng vận chuyển hành khách là hợp đồng ưng thuận
Tính chất ưng thuận được thể hiện khi các bên thỏa thuận xong các nội dung chính của hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực pháp luật làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, còn việc thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào ngày giờ mà các bên đã thoả thuận.
3. Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách
– Hình thức văn bản: Vé tàu xe, máy bay, tàu sông, tàu biển có chứa đựng những điều khoản căn bản của hợp đồng vận chuyển hành khách; gồm các yếu tố giá vận chuyển, giờ khởi hành, địa điểm xuất phát, nơi đến, thời gian có giá trị của vé, những dấu hiệu của tổ chức vận chuyển như tên con tàu, xe, loại máy bay và số chuyến bay… Vé máy bay và tàu biển còn ghi rõ họ, tên và địa chỉ của hành khách. Vé tàu xe, máy bay, ôtô, tàu biển mà hành khách đã mua là bằng chứng về hợp đồng vận chuyển hành khách đã được giao kết và hành khách đã thanh toán cước phí vận chuyển.
– Hình thức miệng: Hợp đồng vận chuyển hành khách được thể hiện dưới hình thức miệng, là sự thỏa thuận miệng giữa hành khách và bên vận chuyển về nội dung và hình thức vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng taxi với hành khách thường được giao kết dưới hình thức miệng. Hành khách lên xe và thanh toán tiền cước theo km đường đi.
Trong thực tiễn còn có một loại vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy. Dịch vụ này rất phát triển ở mọi nơi, từ miền núi, nông thôn tới thành thị. Vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng xe máy giá rẻ, nhanh chóng, thuận tiện. Loại dịch vụ này phát triển tự phát theo nhu cầu của nhân dân, tuy nhiên đây là một loại dịch vụ liên quan đến an toàn giao thông, vì vậy Nhà nước cần phải quản lý buộc các chủ xe phải mua bảo hiểm cho khách trên xe.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển
– Bên vận chuyển có thể là chủ phương tiện hoặc cơ quan trực tiếp quản lý phương tiện vận tải. Chủ phương tiện thuộc mọi thành phần kinh tế muốn kinh doanh vận chuyển hành khách phải có giấy phép. Chủ phương tiện sau khi được cấp giấy phép kinh doanh và bắt đầu hoạt động kinh doanh phải chịu trách nhiệm về an toàn cho hành khách trong suốt quá trình vận chuyển. Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bên vận tải phải tổ chức phục vụ hành khách, tổ chức bán vé, nếu bên vận chuyển và bên quản lý bến xe là một đơn vị kinh tế thống nhất cần phải thực hiện các dịch vụ khác nhằm đáp ứng yêu cầu thuận tiện, văn minh, lịch sự cho hành khách. Trước khi vận chuyển phải kiểm tra kỹ thuật an toàn của phương tiện, quét dọn sàn xe, lau chùi ghế ngồi, giường nằm bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường. Trong khi vận chuyển phải chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Không vận chuyển vượt quá số lượng hành khách quy định. Nếu vận chuyển đường dài liên tỉnh cần bố trí thời gian phục vụ hành khách ăn, uống, nghỉ ngơi, thực hiện xuất phát đúng giờ, về đích an toàn.
– Để đề phòng tai nạn giao thông, bên vận chuyển phải mua bảo hiểm về tính mạng, sức khỏe cho hành khách theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 524 Bộ luật Dân sự 2015).
– Bên vận chuyển có quyền yêu cầu hành khách trả đủ chi phí cước vận chuyển hành khách và cước phí hàng hóa vượt quá mức quy định. Có quyền từ chối chuyên chở hành khách trong những trường hợp sau:
Hành khách không chấp hành đúng những quy định của bên vận chuyển. Có hành vi làm mất trật tự công cộng, đe dọa đến tính mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác hoặc do tình trạng sức khỏe của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc những người khác (Điều 525 Bộ luật Dân sự 2015).
Bên vận chuyển hành khách phải bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển hành khách khi gây thiệt hại đến tính mạng sức khoẻ, tài sản của hành khách, nếu số tiền bảo hiểm hành khách do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả không đủ khắc phục thiệt hại xảy ra thì bên vận chuyển phải bồi thường phần còn thiếu theo quy định của pháp luật...
Trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên hành khách thì bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại.
4.2. Hành khách
Hành khách là người có vẻ hợp lệ. Trong trường hợp do pháp luật quy định, hành khách phải được ghi tên vào danh sách hành khách. Khi lên phương tiện vận tải, hành khách phải xuất trình vé cho người quản lí phương tiện. Nếu lên phương tiện vận tải mà chưa có vé phải thông báo ngay cho chủ phương tiện biết để mua vé bổ sung. Vé là chứng từ thu tiền cước của hành khách, là chứng chỉ hợp lệ về bảo hiểm hành khách theo điều lệ của bảo hiểm hành khách. Trường hợp hành khách không có vé, khi kiểm soát phát hiện được buộc phải mua vé với mức phạt theo quy định của Nhà nước.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách, bảo đảm trật tự công cộng và vệ sinh môi trường, những người sau đây không được đi chung trên phương tiện giao thông công cộng;
– Người mặc quần áo bệnh nhân của bệnh viện;
– Người bị bệnh tâm thần nếu không có người khác đi cùng;
– Người say rượu, không làm chủ được hành vi của mình;
– Trẻ em dưới 6 tuổi không có người lớn trông giữ;
– Người mang theo súc vật mà không có chuồng, lọ, không bảo đảm vệ sinh và dễ gây nguy hiểm cho hành khách khác;
– Đối với trẻ em dưới 5 tuổi được miễn tiền cước trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ nhưng phải có người lớn đi cùng và ngồi chung với người lớn. Trọng lượng hành lý xách tay theo quy định mà hành khách được mang theo người được miễn cước.
– Đối với hành khách dưới 14 tuổi khi đi tàu bay phải có giấy khai sinh. Nếu đi tàu bay một mình phải có giấy cam đoan của cha mẹ hoặc người giám hộ (Quyết định số 20/2004-QĐ-GTVT ngày 28/10/2004 của Bộ giao thông vận tải).
Trong quá trình vận chuyển, hành khách phải tự mình bảo quản hành lí và phải chấp hành đúng các quy định của bên vận chuyển và các quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông.
. Hành khách có quyền yêu cầu được chuyên chở bằng đúng phương tiện vận tải, giá trị của loại vé với lộ trình đã thoả thuận. Có quyền yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận (Điều 527 Bộ luật Dân sự 2015).