1. Khái niệm hợp đồng gia công là gì?
Hiện nay, nền kinh tế của nước ta phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, nền sản xuất hàng hoá đang trên đà phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều loại hàng hoá có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chưa phát triển cao, các doanh nghiệp thiếu vốn để mở rộng sản xuất, cho nên các doanh nghiệp liên kết để sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thiếu vốn, trình độ sản xuất còn hạn chế nhưng thông qua việc nhận gia công hàng hoá cho các doanh nghiệp khác mà ngày càng tích lũy được vốn và mở rộng sản xuất.
Trong đời sống xã hội, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ngày càng cao. Để thoả mãn nhu cầu đó, mọi người tích cực sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Mặt khác, họ tham gia vào quá trình trao đổi hàng hoá, mua sắm tư liệu sản xuất, dụng cụ gia đình hoặc dùng nguyên vật liệu của mình thuê người khác gia công sản phẩm theo mẫu mã thoả thuận. Hiện nay, ở thành thị cũng như nông thôn, gia công hàng hoá cũng như các dịch vụ khác như sửa chữa tài sản, nhà ở… tương đối phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoả mãn nhu cầu vật chất của nhân dân, góp phần giải quyết một phần công ăn việc làm cho người lao động. Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng gia công là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện một công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công”.
Trong hợp đồng gia công, một bên nhận nguyên vật liệu của bên kia để tạo ra một sản phẩm mới. Trong quá trình làm việc, bên nhận gia công phải tự mình tổ chức thực hiện và hoàn thành công việc, giao kết quả cho bên đặt gia công. Bên đặt gia công không kiểm soát quá trình thực hiện nghĩa vụ của bên nhận gia công mà quan tâm đến lợi ích của mình là vật mới được tạo thành có đúng thời gian, số lượng, chất lượng, khuôn mẫu… như thỏa thuận hay không.
Hợp đồng gia công có những điểm giống và khác so với một số hợp đồng như hợp đồng dịch vụ, lao động…
Theo hợp đồng dịch vụ, một bên (bên nhận làm dịch vụ) bằng công sức của mình để thực hiện một công việc đem lại lợi ích cho bên kia (bên thuê dịch vụ). Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc. Quá trình thực hiện hợp đồng không tạo ra sản phẩm mới mà làm tăng thêm chất lượng của tài sản, khắc phục, sửa chữa tài sản bị hư hỏng hoặc bên làm dịch vụ hoàn thành một công việc theo như thỏa thuận. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên làm dịch vụ tự mình thực hiện công việc và giao lại kết quả công việc đó cho bên thuê dịch vụ. Lợi ích của bên làm dịch vụ là khoản tiền thù lao mà bên thuê dịch vụ phải trả.
Đối với hợp đồng lao động, người lao động phải thực hiện một công việc theo dây chuyền sản xuất hoặc làm khoán theo sản phẩm. Nhưng trong quá trình sản xuất, người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động như các quy định về thời gian, an toàn lao động... Người lao động tham gia vào quá trình sản xuất theo một quy trình nhất định. Một sản phẩm được hoàn thành là kết quả lao động của tập thể công nhân viên tạo ra, trong đó, mỗi người chỉ thực hiện một công đoạn nhất định. Thu nhập của công nhân chủ yếu là tiền lương, ngoài ra người công nhân còn có thể nhận được khoản tiền thưởng của doanh nghiệp…

2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng gia công
2.1. Hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ
Bên gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công phải chuyển cho mình vật liệu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, tính đồng bộ và số lượng cùng vật mẫu, bản vẽ để chế tạo. Bên gia công yêu cầu bên đặt gia công nhận tài sản mới do chính mình tạo ra và trả tiền công như đã thoả thuận.
2.2. Hợp đồng gia công là hợp đồng có đền bù
Khoản tiền mà bên thuê gia công phải trả cho bên gia công là khoản đền bù. Khoản đền bù này là tiền công do các bên thỏa thuận trong hợp đồng gia công.
2.3. Hợp đồng gia công có kết quả được vật thể hoá
Vật được xác định trước theo mẫu, theo một tiêu chuẩn do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định trước. Vật mẫu hay tiêu chuẩn của vật gia công chỉ được hiện thực hoá (vật chất hoá hay trở thành hàng hoá) sau khi bên nhận gia công đã hoàn thành công việc gia công. Hợp đồng gia công còn có đặc điểm của hợp đồng mua bán, nếu nguyên vật liệu của bên gia công thì bên đặt gia công phải trả tiền mua nguyên vật liệu và tiền gia công hàng hoá từ số lượng. Chất lượng của nguyên vật liệu được tạo ra thành phẩm là kết quả của hành vi gia công.
3. Đối tượng của hợp đồng gia công
Theo quy định tại Điều 543 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Vật là một loại sản phẩm, hàng hóa do bên thuê gia công đặt theo hợp đồng. Mẫu của vật này có thể do bên thuê gia công chỉ định hoặc do bên gia công đưa ra và bên thuê gia công chấp nhận. Mẫu mà các bên sử dụng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Ví dụ: sản xuất đồ chơi trẻ em, khi sử dụng không được mang tính tuyên truyền bạo lực hoặc hình dáng bên ngoài của hàng hóa phải phù hợp thẩm mĩ của người Việt Nam…
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
4.1. Bên đặt gia công
Bên đặt gia công có quyền:
– Yêu cầu bên gia công thực hiện đúng hợp đồng
Trường hợp bên nhận gia công vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại, bên đặt gia công có quyền huỷ hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 545 Bộ luật Dân sự 2015.
– Yêu cầu bên gia công giao vật đúng thời hạn, đúng chất lượng, số lượng...
– Nếu sản phẩm kém chất lượng, bên đặt gia công yêu cầu bên gia công sửa chữa, nếu không sửa chữa hoặc sửa chữa không được thì có quyền huỷ hợp đồng.
Bên đặt gia công có thể là tổ chức hoặc cá nhân có nghĩa vụ cung cấp nguyên vật liệu cho bên nhận gia công. Chất lượng của nguyên vật liệu phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Nếu bên đặt gia công cung cấp nguyên vật liệu chất lượng không đúng như thỏa thuận làm ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hoá thì bên nhận gia công không chịu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Việc cung cấp nguyên vật liệu có thể được thực hiện một hoặc nhiều lần nhưng phải đúng thời gian quy định.
Bên đặt gia công có quyền kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng để bảo đảm chất lượng hàng hoá gia công. Nếu bên đặt gia công phải cung cấp nguyên vật liệu mà trong thời hạn hợp đồng không may nguyên vật liệu bị hư hỏng và không phải do lỗi của bên nhận gia công thì bên nhận gia công không phải chịu trách nhiệm.
Bên đặt gia công thực hiện hợp đồng chậm về thời gian mà rủi ro sản phẩm bị hỏng, trường hợp này bên đặt gia công phải chịu thiệt hại. Theo hợp đồng, bên đặt gia công phải nhận sản phẩm đúng thời hạn và hết thời hạn đó bên gia công không còn nghĩa vụ theo hợp đồng. Nếu sản phẩm cần phải chi phí cho việc bảo quản trong thời gian quá hạn của hợp đồng, bên đặt gia công có nghĩa vụ bồi thường những chi phí đó. Bên đặt gia công phải chịu những rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công (Điều 548 Bộ luật Dân sự 2015). Trong trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thoả thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ (khoản 2 Điều 550 Bộ luật Dân sự 2015)
Bên đặt gia công có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng đúng thời hạn và theo phương thức đã thoả thuận trong hợp đồng.
4.2. Bên nhận gia công
Bên nhận gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu cho mình đúng thời hạn, phương thức, địa điểm ghi trong hợp đồng. Nếu hợp đồng gia công có thoả thuận về thời hạn bảo hành sản phẩm, trong thời hạn bảo hành, bên nhận gia công có nghĩa vụ sửa chữa, thay thế sản phẩm do mình gia công. Trong khi thực hiện hợp đồng mà phát hiện được chất lượng nguyên vật liệu không bảo đảm, có thể gây thiệt hại cho các bên, bên nhận gia công phải thông báo cho bên đặt gia công biết để thay thế nguyên liệu hoặc có quyền hủy hợp đồng nếu bên đặt gia công không thực hiện yêu cầu thay thế nguyên liệu.
Sau khi hoàn thành việc gia công, bên nhận gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công trả tiền như thỏa thuận.
Bên nhận gia công có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công giao cho. Nếu làm hư hỏng, mất mát thì phải bồi thường (khoản 1 Điều 546 Bộ luật Dân sự 2015).
Bên nhận gia công có nghĩa vụ thông báo cho bên đặt gia công biết về chất lượng của vật liệu không đảm bảo (nếu bên đặt gia công cung cấp vật liệu) và có quyền từ chối gia công nếu bên đặt gia công không thay đổi vật liệu khác.
Trong khi thực hiện hợp đồng, nếu không may xảy ra rủi ro mà sản phẩm bị hư hỏng, bên nhận gia công phải chịu thiệt hại về công sức mà mình đã bỏ ra để thực hiện hợp đồng. Nếu bên nhận gia công tự mình phải mua nguyên vật liệu thì phải chịu thiệt hại về nguyên vật liệu bị hư hỏng. Trong những trường hợp trên, bên đặt gia công không phải chịu trách nhiệm vì bên đặt gia công chỉ quan tâm đến sản phẩm hoàn thành theo đúng thời hạn, đúng chất lượng, số lượng như đã thoả thuận.
Khi hết hạn của hợp đồng, bên nhận gia công có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng chất lượng, số lượng, địa điểm đã thỏa thuận (Điều 549 Bộ luật Dân sự 2015).
Sau khi hoàn thành sản phẩm, nếu có dư thừa nguyên vật liệu, bên nhận gia công phải trả lại cho bên đặt gia công hoặc các bên xử lý theo thỏa thuận. Trong trường hợp bên nhận gia công thực hiện chậm về thời gian, về nguyên tắc bên đặt gia công có quyền hủy hợp đồng. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận thêm một thời gian nhưng phải bồi thường thiệt hại cho bên đặt gia công (nếu có).