1. Hình thức pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự của con người trong đời sống hàng ngày được hình thành bởi nhà nước, bởi vậy, khi nghiên cứu về pháp luật phải xem xét tới cách thức tạo ra pháp luật (hình thức “bên ngoài”) và hình thức cấu trúc của pháp luật (hình thức “bên trong”) của pháp luật.
Hình thức pháp luật được hiểu là cách thức mà giai cấp cầm quyền sử dụng để thể hiện ý chí của mình thành pháp luật.
Trong khoa học pháp lý, hình thức bên trong của pháp luật được nghiên cứu bằng khái niệm hình thức cấu trúc của pháp luật và sẽ được nghiên cứu cụ thể hơn tại Chương hệ thống pháp luật và quy phạm pháp luật của giáo trình này. Hình thức bên ngoài của pháp luật được thể hiện dưới ba hình thức: tập quán pháp, tiền lệ pháp (án lệ) và văn bản quy phạm pháp luật.
2. Các hình thức pháp luật
2.1. Tập quán pháp
Tập quá pháp là những tập quán được lưu truyền trong xã hội, được nhà nước thừa nhận, có giá trị pháp lý và được bảo đảm thực hiện.
Tập quán pháp là loại nguồn pháp luật được sử dụng sớm nhất, tồn tại khá phổ biến ngay từ khi chưa có pháp luật thành văn. Khởi phát từ những tập quán trong xã hội, được nhà nước thừa nhận bằng nhiều cách thức khác nhau, như có thể liệt kê các tập quán được nhà nước thừa nhận, hoặc viện dẫn các tập quán trong pháp luật thành văn, áp dụng tập quán để giải quyết các vụ việc nảy sinh trong thực tế cuộc sống.
Tập quán pháp là hình thức của pháp luật được sử dụng phổ biến trong các nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến. Trong xã hội hiện đại, hình thức tập quán pháp vẫn được nhiều nước sử dụng, nhất là các nước theo chính thể quân chủ, thậm chí cả những nước có trình độ phát triển cao về kinh tế, pháp luật. Trong những nước này phương thức sử dụng tập quán pháp có thể hoặc là được ghi nhận vào trong các điều luật hoặc được thừa nhận, tồn tại song song, ngang hàng với luật thực định.
Có thể nói rằng, tập quán pháp có thể được tạo ra từ hoạt động của cơ quan lập pháp hay cơ quan tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý của nhà nước. Nhìn chung, nhà nước chỉ thừa nhận những tập quán phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền, không trái với đạo đức xã hội và trật tự công cộng. Khi tập quán được thừa nhận là tập quán pháp, nó sẽ trở thành pháp luật và có tính cưỡng chế, bắt buộc thực hiện. Chẳng hạn, Điều 5 của Bộ luật Dân sự năm 2015 nước ta quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
Như vậy, tập quán pháp xuất hiện khi nhà nước chưa có nhu cầu hoặc chưa có điều kiện xây dựng pháp luật thành văn. Tuy nhiên, hạn chế của tập quán pháp là sự tản mạn, thiếu thống nhất… vì vậy, cùng với sự phát triển và hoàn thiện của các văn bản quy phạm pháp luật thì tập quán pháp ngày càng có xu hướng bị thu hẹp phạm vi sử dụng. Pháp luật các quốc gia thường quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán pháp trong giải quyết các công việc cụ thể.
Việt Nam đã chính thức thừa nhận tập quán pháp là một loại nguồn của pháp luật từ năm 1995 khi Bộ luật Dân sự đầu tiên được ban hành. Trình tự, thủ tục, cách thức áp dụng tập quán pháp được pháp luật quy định khá chặt chẽ, thường được sử dụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại.
2.2. Tiền lệ pháp (án lệ)
Tiền lệ pháp là các quyết định hoặc bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể, được nhà nước thừa nhận như một khuôn mẫu pháp lý để giải quyết những vụ việc khác tương tự. Tiền lệ pháp vừa là hình thức pháp luật, vừa là nguồn của pháp luật.
Hình thức pháp luật này rất phổ biến ở các nước theo hệ thống thông luật (Common Law). Khái niệm án lệ (Case Law) còn được gọi là tiền lệ pháp (Precedent) là một trong những nguồn luật chính thức và quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia và được áp dụng rộng rãi. Theo đó, những bản án, quyết định giải quyết vụ việc trong các tập san án lệ trở thành khuôn mẫu, trở thành cơ sở để tòa đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó. Nguyên nhân hình thành án lệ chính là những “khiếm khuyết” của hệ thống pháp luật, đó là khi văn bản pháp luật còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh, không đảm bảo chất lượng. Trong trường hợp đó, tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự do khiếm khuyết quy phạm hoặc chưa có dẫn chiếu quy phạm rõ ràng. Như vậy, có thể thấy, án lệ được hình thành từ con đường tư pháp, trong thực tế, có hai loại án lệ, một là, án lệ tạo ra quy phạm pháp luật mới, gắn với chức năng sáng tạo pháp luật của tòa án, hai là, án lệ hình thành trong quá trình tòa án áp dụng và giải thích quy định do cơ quan lập pháp ban hành.
Pháp luật các quốc gia đều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền hình thành ra án lệ. Ở Việt Nam, trước năm 2014, pháp luật Việt Nam chủ yếu bao gồm hai loại nguồn chính thức là tập quán pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Từ khi Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực, án lệ đã chính thức được thừa nhận là một loại nguồn của pháp luật nước ta. Theo quy định này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Hình thành trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với tiêu chí áp dụng lẽ phải, sự công bằng, khách quan nên án lệ được coi là một loại nguồn của pháp luật, có tính linh hoạt, hợp lý trong áp dụng. Tuy nhiên, án lệ cũng có điểm hạn chế: một là, thiếu tính khái quát, số lượng các án lệ cũng rất lớn; hai là, việc áp dụng tiền lệ pháp dễ tạo ra sự tùy tiện, không bảo đảm yêu cầu của nguyên tắc pháp chế bởi phụ thuộc vào ý chí chủ quan, trình độ nhận thức của thẩm phán trong việc giải thích, vận dụng, thủ tục áp dụng phức tạp, đòi hỏi người
áp dụng phải có trình độ hiểu biết pháp luật thực sự sâu rộng.
2.3. Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức pháp lý nhất định, trong đó quy định những quy tắc xử sự chung.
Văn bản quy phạm pháp luật ra đời từ khá sớm, ngay trong các nhà nước nô lệ, phong kiến. Bộ luật La Mã cổ đại, Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) của Việt Nam là những văn bản quy phạm pháp luật điển hình. Trong các nhà nước tư sản, nhất là các nước theo hệ thống luật tục, văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng rộng rãi, nhiều thể loại phong phú và được soạn thảo với một trình độ kỹ thuật cao. Nội dung của văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng những quy tắc xử sự chung cho một loại (một nhóm) đối tượng nhất định thực hiện.
Pháp luật các nước thường quy định thứ tự ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật so với tập quán pháp và án lệ. Ví dụ, theo pháp luật Mỹ, Pháp, Anh… khi Nghị viện đã ban hành luật thì tòa án cũng phải xét xử dựa trên quy định của pháp luật cho dù quy định pháp luật đó đã hủy bỏ những nguyên tắc đã được thiết lập trong những án lệ trước đó. Đối với các quốc gia mà văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp luật chủ yếu thì án lệ chỉ là nguồn bổ trợ, giải thích các quy định trong pháp luật thành văn nhằm gia tăng tính thuyết phục và rõ ràng trong các quyết định của cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật.
Các quốc gia đều có những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật được coi là nguồn quan trọng hàng đầu của pháp luật bởi ưu điểm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, chính xác, rõ ràng, minh bạch. Văn bản quy phạm pháp luật cũng dễ phổ biến, dễ giám sát hơn so với luật tục, tập quán hay tập quán pháp. Tuy nhiên, nhược điểm của văn bản quy phạm pháp luật là quá trình xây dựng và ban hành văn bản mới, sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật gây tốn kém về nguồn lực. Mặt khác, nội dung các quy phạm thường có tính khái quát cao nên việc vận dụng vào các tình huống của cuộc sống đa dạng, phức tạp đòi hỏi người thực thi phải có trình độ và tính chuyên nghiệp nhất định.
Ngoài ba hình thức cơ bản của pháp luật là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật vừa là hình thức bên ngoài của pháp luật, cũng vừa là nguồn cơ bản của pháp luật, còn những nguồn khác của pháp luật như Điều ước quốc tế, các quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội, đường lối chính sách của lực lượng cầm quyền, các quan điểm, tư tưởng học thuyết của các nhà khoa học pháp lý, hương ước, tín điều tôn giáo, pháp luật nước ngoài…, có giá trị bổ sung, thay thế khi các nguồn cơ bản không quy định hoặc có hạn chế, khiếm khuyết…