Nghiên cứu hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là xem xét giới hạn, phạm vi tác động của văn bản về mặt thời gian, không gian và đối tượng thi hành. Việc xác định chính xác hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là điều kiện quan trọng và cần thiết để đảm bảo thực thi pháp luật thống nhất cũng như nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội.
1. Hiệu lực về thời gian
Hiệu lực về thời gian của văn bản quy phạm pháp luật là giới hạn phạm vi tác động của văn bản trong một khoảng thời gian nhất định, được tính từ thời điểm phát sinh hiệu lực cho đến khi chấm dứt hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hiệu lực về thời gian được xác định từ thời điểm phát sinh hiệu lực đến khi chấm dứt hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được xác định như sau:
1.1. Thời điểm phát sinh hiệu lực
* Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
* Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
* Hiệu lực trở về trước của văn bản quy pháp luật (hiệu lực hồi tố):
Thông thường, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội xảy ra sau khi nó có hiệu lực. Về nguyên tắc, pháp luật xã hội chủ nghĩa không thừa nhận hoặc áp dụng hiệu lực hồi tố của văn bản bởi nó tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm trật tự pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thật cần thiết, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố). Pháp luật nước ta hiện nay quy định chỉ các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành mới được quy định hồi tố và mục đích quy định hồi tố nhằm đảm bảo lợi ích chung của nhà nước và xã hội hoặc thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội (văn bản quy phạm do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước).
Ví dụ: Khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Pháp luật Việt Nam quy định không được áp dụng hiệu lực hồi tố đối với hai trường hợp sau:
Một là, quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý. Ví dụ: một số hành vi được coi là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ 01/1/2018) như tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…, nếu thực hiện trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thì không được coi là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hai là, quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn. Ví dụ, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra với những pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân).
1.2. Thời điểm chấm dứt hiệu lực toàn bộ hoặc một phần
Thời điểm này được xác định trong các trường hợp sau:
* Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản, thời hạn này được ghi cụ thể trong văn bản; văn bản mặc nhiên hết hiệu lực khi đến thời điểm này.
* Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
* Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Thường các văn bản lập pháp, hoặc văn bản pháp quy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (gọi là văn bản chính) đều có một số lượng nhất định các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trong trường hợp này, khi văn bản chính đã hết hiệu lực thì các văn bản đó cũng hết hiệu lực, trừ trường hợp giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới.
Một trường hợp khác khi nghiên cứu thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cần được chú ý là văn bản bị đình chỉ thi hành để cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý của nó hoặc để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội phát sinh. Khoảng thời gian này văn bản quy phạm pháp luật bị tạm ngưng hiệu lực. Kết quả xử lý văn bản có thể dẫn đến một trong hai trường hợp: văn bản tiếp tục có hiệu lực nếu không bị hủy bỏ, hoặc hết hiệu lực nếu bị hủy bỏ; trong thời gian bị ngưng hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật đó không
được áp dụng, kể cả đối với các quan hệ xã hội xảy ra vào thời điểm trước và trong thời gian nó bị tạm ngưng hiệu lực.
2. Hiệu lực theo không gian
Hiệu lực không gian của văn bản quy phạm pháp luật là phạm vi tác động của văn bản về mặt không gian, có thể là toàn bộ lãnh thổ quốc gia, một vùng hoặc một địa phương nhất định. Cũng như hiệu lực thời gian, hiệu lực không gian của văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc vào thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản, vào phạm vi và mức độ điều chỉnh của nó.
Thông thường, các văn bản do cơ quan nhà nước Trung ương, như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Các văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trên phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó.
3. Hiệu lực theo đối tượng thi hành
Hiệu lực theo đối tượng thi hành là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành.
Như vậy, đối tượng tác động của văn bản quy phạm pháp luật có thể là tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cũng có thể chỉ hướng tới một loại đối tượng nhất định.
Việc xác định hiệu lực theo đối tượng thi hành được quy định như sau:
– Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước Trung ương được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
– Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước Trung ương quy định những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau thì đối tượng áp dụng chỉ là những cá nhân, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề đó.
– Văn bản của chính quyền địa phương có hiệu lực (theo đối tượng) đối với tất cả các công dân, tổ chức, cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan nhà nước Trung ương đóng trên lãnh thổ địa phương quản lý.
– Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đối với cơ quan, tổ chức người nước ngoài ở Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Việc xác định rõ hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật về thời gian, không gian và đối tượng thi hành là một trong các tiền đề quan trọng, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh của văn bản cũng như bảo đảm xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có tính thống nhất cao.