Khi có kháng cáo, kháng nghị thì toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án chưa được đưa ra thi hành. Trong trường hợp kháng cáo, kháng nghị một phần bản án, quyết định thì phần bản án bị kháng cáo, kháng nghị chưa được đưa ra thi hành. Phần bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành.
Tuy nhiên, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm vẫn được thi hành ngay mặc dù có kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam (Điều 363 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án vẫn có hiệu lực thi hành mặc dù có kháng cáo, kháng nghị (khoản 3 Điều 453 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cùng kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm để chuẩn bị cho việc xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Việc quy định này nhằm bảo đảm việc xét xử phúc thẩm đúng thời hạn và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng (Điều 339 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).