Về thời gian nghỉ thai sản, có nhiều trường hợp giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì có được nghỉ bù hay không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên
Nghỉ thai sản là một trong các chế độ BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ. Đối với giáo viên, theo Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017 của Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chế độ thai sản đối với giáo viên được thực hiện theo Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định liên quan.
Thời gian hưởng chế độ thai sản sinh con được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, giáo viên sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp giáo viên sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
2. Giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù?
Cũng theo hướng dẫn của Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB:
– Thời gian nghỉ hè của giáo viên bao gồm cả thời gian nghỉ hằng năm là 08 tuần đối với giáo viên mầm non (theo Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT)
– Thời gian nghỉ hè đối với giáo viên phổ thông là 02 tháng (theo khoản 4 Điều Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT).
Thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT – BGDĐT.
Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được xử lý theo một trong hai phương án sau đây:
– Một là được sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ luật Lao động.
-
Thời gian nghỉ bù là 12 ngày làm việc đối với người làm việc trong điều kiện bình thường.
-
Trường hợp môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc khắc nghiệt sẽ được nghỉ 14 ngày. Trường hợp môi trường làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc điều kiện khắc nghiệt có trong danh mục của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội là 14 ngày. Lao động thâm niên từ 5 năm trở lên thì cứ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày.
– Hai là được thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động. Mức chi hỗ trợ này được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2021/TT-BTC ngày 20/10/2011.
Như vậy, dựa trên hướng dẫn của công văn, giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè vẫn được nghỉ bù và có thể lựa chọn một trong hai phương án trên để giải quyết.
3. Giáo viên chưa hết thời gian nghỉ thai sản, có thể đi làm sớm không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật lao động năm 2019, pháp luật cũng có quy định lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh. Nếu giáo viên có nhu cầu đi làm sớm, cần có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe cho NLĐ và được NSDLĐ đồng ý. Trong đó, thời gian lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.
Trường hợp này ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn 06 tháng theo quy định pháp luật.
Như vậy, ngoài việc giáo viên được nghỉ bù thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè ra, nếu muốn đi làm sớm hơn thì cũng được chấp nhận khi có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm.
Tuy nhiên, giáo viên phải đảm bảo việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe sau khi đã nghỉ ít nhất 04 tháng, được người sử dụng lao động đồng ý.