1. Hình phạt là gì?
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
2. Căn cứ quyết định hình phạt
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội, những căn cứ quy định này hoàn toàn giống với quy định tại Bộ Luật hình sự cũ. Trong đó căn cứ đầu tiên và có thể xem là căn cứ quan trọng nhất, bao quát nhất được nêu ra đó là: căn cứ vào quy định của Bộ Luật này (tức toàn bộ những quy định nằm trong Bộ luật Hình sự). Có thể thấy trong quá trình xét xử vụ án hình sự sẽ luôn luôn có 2 Bộ Luật được áp dụng đó là Bộ Luật hình sự (luật nội dung) và Bộ Luật tố tụng hình sự (luật hình thức). Tuy nhiên khi quyết định hình phạt (định tội, định khung) thì sẽ chỉ căn cứ duy nhất vào Bộ Luật hình sự (luật nội dung). Căn cứ này bao hàm hết tất cả những căn cứ còn lại, bởi lẽ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… đều là những căn cứ đã được quy định tại Bộ Luật này. Việc liệt kê ra những nguyên tắc đó đảm bảo cho sự căn cứ được rõ ràng và dễ nắm bắt hơn. Bản chất của tội phạm là thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và giờ Tòa án sẽ quyết định một hình phạt thích đáng với hành vi nguy hiểm cho xã hội đó. Nhưng do tính cá biệt nên không thể nào mọi hành vi nguy hiểm đều có mức độ nguy hiểm như nhau cũng như người thực hiện hành vi phạm tội cũng rất khác nhau về độ tuổi, sức khỏe, khả năng nhận thức, lý lịch tư pháp… nên yếu tố nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ luôn là một trong những căn cứ quan trọng mà Tòa cần phải dựa vào để quyết định hình phạt một cách đúng người đúng tội, công bằng và minh bạch.
3. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt
Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 64. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt
Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này.
Điều 63 là quy định các trường hợp được giảm thời hạn chấp hành hình phạt chung được áp dụng cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó pháp luật cũng dự liệu thêm một số trường hợp đặc biệt để xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cho người phạm tội như lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Khái niệm, khía cạnh nào để đánh giá vấn đề lập công của người phạm tội thì chúng ta đã đề cập tại các điều luật nêu trên. Về trường hợp người bị kết án đã quá già yếu thì cần xem xét, đánh giá như thế nào vì hiện nay không có một văn bản hướng dẫn thống nhất cách hiểu người quá già yếu, trong khi đó đây lại là trường hợp để xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cho người phạm tội. Liệu khái niệm người quá già yếu có tương đồng với khái niệm người cao tuổi hay không? Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên trong nội hàm khái niệm “người quá già yếu” có hai yếu tố cần phải được xem xét là “già” và “yếu”. Do vậy việc đánh đồng khái niệm người cao tuổi với người quá già yếu là hoàn toàn không phù hợp, bởi lẽ theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 thì khái niệm người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên. Trong khi khái niệm người cao tuổi chỉ áp dụng chung cho tất cả những ai đã qua khỏi độ tuổi lao động và đây là giai đoạn họ bắt đầu được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, nếu đem áp khái niệm người già để trở thành đối tượng được giảm thời hạn chấp hành hình phạt cũng không thỏa đáng các yêu cầu luật định, đối tượng không chỉ đáp ứng về độ tuổi để được xem là “già” thì bên cạnh đó còn phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe để được xem là “yếu”.
Về mắc bệnh hiểm nghèo: đã được lập luận tại các Điều luật nêu trên, tựu chung lại việc mắc bện hiểm nghèo hay sức khỏe yếu được biểu hiện ở một hành vi mà các nhà làm luật hướng đến là khả năng gây nguy hiểm cho xã hội của các đối tượng này không còn nữa.
Việc xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt không chỉ đặc biệt ở chủ thể được áp dụng hay nói cách khác là điều kiện mà chủ thể phải đáp ứng thì điều kiện về thời hạn cũng có những ưu đãi hơn so với trường hợp thông thường tại Điều 63. Họ có thể không phải đáp ứng về thời hạn chấp hành hình phạt tối thiểu để được xem xét giảm giảm hình phạt, cũng không phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành khi xem xét giảm nhiều lần. Tuy nhiên việc giảm sớm hơn bao nhiêu, mức cao hơn bao nhiêu thì pháp luật không nêu cụ thể, vấn đề này sẽ do Cơ quan có thẩm quyền căn cứ trên tình hình thực tế, tổng hợp của nhiều yếu tố mà quyết định cho hợp tình hợp lý.
4. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung