Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là những nhóm quan hệ xã hội xác định, có đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Đối tượng điều chỉnh là tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt ngành luật này với ngành luật khác.
Luật hành chính Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Những quan hệ này có thể gọi là những quan hệ chấp hành – điều hành hoặc những quan hệ quản lí hành chính nhà nước. Nội dung của những quan hệ này thể hiện:
– Việc thành lập, cải tiến cơ cấu bộ máy, cải tiến chế độ làm việc, hoàn chỉnh các quan hệ công tác của các cơ quan nhà nước;
– Hoạt động quản lý kinh tế, văn hoá-xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội trên cả nước, ở từng địa phương hay từng ngành;
– Trực tiếp phục vụ các nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhân dân;
– Hoạt động kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các tổ chức và cá nhân.
– Xử lí các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trật tự quản lí hành chính.
Các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hành chính được chia thành 3 nhóm sau:
1. Các quan hệ quản lí phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội
Nhóm quan hệ xã hội này là đối tượng điều chỉnh cơ bản của luật hành chính. Thông qua việc thiết lập những quan hệ loại này các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng cơ bản của mình. Những quan hệ loại này rất phong phú, chủ yếu là những quan hệ:
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc (như giữa Chính phủ với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội) hoặc với cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (như giữa Bộ giáo dục và đào tạo với Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh);
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp (như giữa Chính phủ với Bộ Công an) hoặc với cơ quan chuyên môn trực thuộc nó (như giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá với Sở tư pháp tỉnh Thanh Hoá);
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung ở cấp tỉnh nhằm thực hiện chức năng theo pháp luật (như giữa Bộ tài nguyên và môi trường với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương);
– Giữa những cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương, cơ quan này có một số quyền hạn đối với cơ quan kia trong lĩnh vực quản lí chức năng nhất định song giữa các cơ quan đó không có sự lệ thuộc về mặt tổ chức. Trong các quan hệ loại này, chủ thể quản lí là các cơ quan chuyên môn có chức năng tổng hợp, phụ trách một lĩnh vực chuyên môn như cơ quan tài chính, lao động-thương binh và xã hội… Các cơ quan này có quyền hạn nhất định đối với các cơ quan chuyên môn khác trong các lĩnh vực chuyên môn mà họ phụ trách (như giữa Bộ tài chính với Bộ giáo dục và đào tạo trong việc quản lí ngân sách nhà nước);
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị trực thuộc trung ương đóng tại địa phương đó (như giữa Uỷ ban nhân dân quận Đống Đa với Trường đại học ngoại thương).
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị cơ sở trực thuộc (như giữa Bộ tư pháp với Trường Đại học Luật Hà Nội);
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Các tổ chức kinh tế này được đặt dưới sự quản lí thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền (như giữa uỷ ban nhân dân huyện với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn huyện);
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức xã hội (như giữa Chính phủ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận);
– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch (như giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với người khiếu nại).
2. Các quan hệ quản lí hình thành trong quá trình các cơ: quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ của cơ quan nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình
Mỗi loại cơ quan nhà nước có chức năng cơ bản riêng và để hoàn thành chức năng cơ bản của mình các cơ quan nhà nước phải tiến hành những hoạt động quản lý hành chính nhất định.
Những người lãnh đạo và một bộ phận công chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước được trao quyền tiến hành hoạt động tổ chức trong giới hạn cơ quan. Hoạt động này còn được gọi là hoạt động tổ chức nội bộ, khác với hoạt động hướng ra bên ngoài. Để cơ quan nhà nước có thể hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, hoạt động quản lí nội bộ cần được tổ chức tốt, đặc biệt là những hoạt động như kiểm tra nội bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức, phối hợp hoạt động giữa các bộ phận của cơ quan, công việc văn phòng, đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết v.v..
Hoạt động tổ chức nội bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện cần thiết cho các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng cơ bản của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu công tác tổ chức nội bộ vượt quá giới hạn bình thường, nếu bộ máy nhà nước dành quá nhiều thời gian và sức lực cho công tác tổ chức nội bộ, nếu có quá nhiều cơ quan trung gian thì hiệu quả của quản lí sẽ giảm sút.
3. Các quan hệ quản lí hình thành trong quá trình các cá nhân và tổ chức được Nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định
Trong thực tiễn quản lí hành chính nhà nước, trong nhiều trường hợp, pháp luật có thể trao quyền thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành cho các cơ quan nhà nước khác (không phải là cơ quan hành chính nhà nước), các tổ chức hoặc cá nhân. Hoạt động trao quyền được tiến hành trên cơ sở những lí do khác nhau: chính trị, tổ chức, đảm bảo hiệu quả v.v.. Vì vậy, hoạt động quản lí hành chính nhà nước không chỉ do các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành.
Hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân được trao quyền có tất cả những hậu quả pháp lí như hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhưng chỉ trong khi thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành cụ thể được pháp luật quy định. Hoạt động này cần được phân biệt rõ với hoạt động cơ bản của cơ quan nhà nước được trao quyền (chính cái đó quy định tính chất của cơ quan và của các mối quan hệ). Xem xét vấn đề từ hướng khác cho thấy cơ quan hành chính nhà nước không chỉ thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành mà còn được uỷ quyền lập pháp và tiến hành hoạt động tài phán trong những trường hợp nhất định.
Như vậy, căn cứ vào đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội đã đề cập trên đây, có thể định nghĩa luật hành chính như sau:
Luật hành chính là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động quản lí hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và ổn định chế độ công tác nội bộ của mình, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân thực hiện hoạt động quản lí hành chính đối với các vấn đề cụ thể do pháp luật quy định…
Luật hành chính điều chỉnh toàn bộ những quan hệ quản lí hành chính nhà nước được thực hiện bởi nhà nước hoặc nhân danh nhà nước và đối tượng điều chỉnh cơ bản của Luật hành chính là những quan hệ quản lí hình thành trong quá trình hoạt động chấp hành – điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.
Từ định nghĩa về luật hành chính có thể rút ra kết luận rằng hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thực hiện thông qua các quan hệ xã hội được các quy phạm của luật hành chính điều chỉnh.
Có tiêu chuẩn khách quan nào để xác định những quan hệ xã hội này hay những quan hệ xã hội khác cần được điều chỉnh bằng chính luật hành chính hay bằng những quy định của các ngành luật khác hay không? Sự cần thiết điều chỉnh bởi luật hành chính xuất hiện khi nhà nước mong muốn bằng những phương tiện của luật hành chính tác động đến sự hình thành các quan hệ xã hội thông qua việc quy định sự can thiệp của các cơ quan hành chính nhà nước vào các quan hệ xã hội đó hoặc ít nhất là cho phép cơ quan hành chính nhà nước can thiệp vào các quan hệ xã hội đó.
– Trên thực tế chúng ta thấy có những trường hợp có những mặt nhất định của các quan hệ xã hội trước hết được điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật hành chính, còn sau đó được quy phạm của ngành luật khác điều chỉnh. Có nghĩa là sự điều chỉnh pháp lí hành chính trước hết tác động đến những lĩnh vực chưa bị sụ điều chỉnh pháp lí đụng chạm đến. Có thể lấy ví dụ về điều chỉnh việc cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa trước đây cũng như quy định chế độ quản lí nền kinh tế thị trường hiện nay. | Trên thực tế cũng tồn tại những quan hệ xã hội đòi hỏi sự phối hợp điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hành chính và quy phạm của ngành luật khác. Điển hình là các quan hệ pháp luật tài chính, đất đai, lao động. Việc điều chỉnh nội dung những quan hệ loại này thuộc về luật tài chính, luật đất đai, luật lao động còn việc điều chỉnh thủ tục thuộc về luật hành chính.
Nhiều điều khoản của luật hiến pháp là nguồn của luật hành chính, được phát triển trong luật hành chính, có được khả năng điều chỉnh trực tiếp là nhờ luật hành chính. Những điều khoản đó vừa thuộc luật hiến pháp, vừa thuộc luật hành chính (ví dụ: Những quy định của hiến pháp về quyền và nghĩa vụ của công dân).
Chỉ có thể nói đến điều chỉnh pháp lí hành chính khi trong quan hệ quản lí một bên có quyền (thường thì quyền đồng thời là nghĩa vụ) với tư cách là chủ thể thực hiện chức năng chấp hành – điều hành của Nhà nước. Nếu cơ quan hành chính nhà nước hoạt động không phải trong lĩnh vực thẩm quyền của mình, không sử dụng quyền lực nhà nước nghĩa là trong quan hệ bình đẳng với các chủ thể khác (hợp đồng mua bán) thì hoạt động đó được thực hiện không phải trên cơ sở điều chỉnh pháp lí hành chính.
Xem thêm: [TLHT] Hướng dẫn giải quyết tình huống học phần Luật hành chính