1. Chủ thể có quyền kháng cáo
Kháng cáo là một trong những căn cứ để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng, pháp luật quy định cho họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định đó để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại. Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ thể tham gia tố tụng đều có quyền kháng cáo mà chỉ những người sau đây mới có quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ; Người bào chữa của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thẩn hoặc thể chất mà mình bào chữa; Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Phạm vi kháng cáo của những người có quyền kháng cáo được quy định khác nhau, phụ thuộc vào vai trò, tư cách tố tụng và sự liên quan của bản án, quyết định sơ thẩm đối với quyền và lợi ích của họ.
Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về chủ thể có quyền kháng cáo như sau:
– Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm trước hết ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Do đó, bị cáo có quyền kháng cáo đối với toàn bộ nội dung bản án của cấp sơ thẩm hoặc một phẩn nội dung bản án đó. Người đại diện của bị cáo có quyền kháng cáo là người đại diện theo pháp luật của bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Việc người đại diện của bị cáo kháng cáo không loại trừ quyền tự kháng cáo của bị cáo. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét kháng cáo của người đại diện của bị cáo mà không xem xét kháng cáo của bị cáo là không đúng.
Cũng giống như bị cáo khi thực hiện quyền kháng cáo, bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi hoặc làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Do bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra nên bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Đại diện của bị hại trong trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc hạn chế về năng lực hành vi dân sự, bị hại là người dưới 18 tuổi, có nhược điểm về tâm thẩn hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi hoặc làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
– Người bào chữa cho bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo. Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi và sự hạn chế về nhận thức của người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, bản thân những người này khó có thể thực hiện tốt các quyền của mình trong đó có quyền kháng cáo nên Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa của họ được quyền chủ động kháng cáo mà không cần sự ủy quyền của bị cáo. Đây là quyền kháng cáo độc lập, không phụ thuộc bị cáo đồng ý hay không. Việc người bào chữa kháng cáo không loại trừ quyền tự kháng cáo của bị cáo.
– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm liên quan đến việc bổi thường thiệt hại. Do quyền và lợi ích của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự chỉ liên quan đến phần bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định hình sự sơ thẩm nên pháp luật quy định họ chỉ có quyền kháng cáo phần của bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến việc bồi thường thiệt hại như: mức bồi thường, phương thức, thời hạn bồi thường, các biện pháp bảo đảm việc bổi thường, án phí dân sự… Đại diện của nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng khi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự đó, do đó, họ chỉ có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình để bảo vệ chúng. Người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Cũng như đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tầm thần hoặc thể chất, bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất cũng là những người chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý hoặc có sự hạn chế về nhận thức, bản thân họ khó có thể thực hiện tốt các quyền của mình trong đó có quyền kháng cáo nên Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền chủ động kháng cáo mà không cần sự ủy quyền của họ. Đây là quyền kháng cáo độc lập, không phụ thuộc vào việc những người này có đồng ý hay không. Việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự kháng cáo không loại trừ quyền tự kháng cáo của họ.
– Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội. Tất cả hành vi tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm đều nhằm mục đích chính là xác định bị cáo có tội hay không có tội, tội ít nghiêm trọng hay tội nghiêm trọng để từ đó lựa chọn cách giải quyết về trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự của bị cáo. Chính vì vậy, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm dù là được tuyên có tội hay không có tội đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Do đó, bị cáo không chỉ có quyền kháng cáo đối với bản án mà Tòa án tuyên là có tội mà còn có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội. Ví dụ, họ không thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng Tòa án lại nhận định họ có hành vi trái pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, dù được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên là không có tội thì bản án đó cũng không đúng với sự thật khách quan cho nên bị cáo có quyền kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.
2. Chủ thể có quyền kháng nghị
Mục đích của việc kháng nghị của Viện kiểm sát là nhằm bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án. Vì vậy, nếu như những người kháng cáo chỉ cần không đồng ý với bản án hoặc quyết định sơ thẩm là đã có quyền kháng cáo thì Viện kiểm sát chỉ kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm nếu phát hiện bản án, quyết định đó có sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật.
Khoản 1 Điều 336 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về chủ thể có quyền kháng nghị như sau: “V/ện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Chủ thể của quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp của Viện kiểm sát đó. Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (điểm o khoản 2 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 3 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm và của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thể trùng nhau hoặc bổ sung nhau. Việc quy định cả Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đều có quyền kháng nghị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có sai lầm nhưng không được phát hiện hoặc vì lý do nào đó mà không được kháng nghị kịp thời. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm theo hướng tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với bị cáo và đương sự cả về phần hình sự và dân sự.
Thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là:
– Đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó có quyền kháng nghị.
– Đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị.
Thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát quân sự cũng xác định theo nguyên tắc trên.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung những nội dung chính trong Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, bao gồm: Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;
Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị; Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát; Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị. Quy định mới này nhằm bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, rõ ràng trong quyết định kháng nghị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.