Chỉ dẫn địa lý ( Geographical Indications – Indications Géographiques) là một đối tượng SHTT cụ thể, đặc biệt. Khái niệm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được bắt đầu hình thành ở Pháp từ đầu thế kỷ XIX trong việc bảo vệ các sản phẩm rượu vang được sản xuất tại các vùng lãnh thổ đặc trưng của Pháp như Bordeaux hay Champagne với khái niệm ban đầu là tên gọi xuất xứ hàng hóa (Designation Of Origin – Appellation d’Orgine).
Sau đó, vấn đề này được mở rộng lên tầm quốc tế và đặc biệt trong Cộng đồng châu Âu và được thừa nhận năm 2004 bởi Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS). Hiệp định này đã xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để quy định về bảo hộ và thực thi quyền SHTT nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng.
Chỉ dẫn địa lý theo định nghĩa tại Điều 22-1 của Hiệp định TRIPS là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ một lãnh thổ của một quốc gia hoặc từ khu vực hay địa phương của lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định. Chính nhờ những chỉ dẫn này mà người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mình và điều này đồng nghĩa với việc mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Thực tế hiện nay cho thấy rằng mặc dù pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới và pháp luật quốc tế đều có những quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, song khái niệm về chỉ dẫn địa lý thì vẫn còn có những điểm chưa đồng nhất hoặc chưa thỏa đáng.
Xét dưới góc độ pháp luật quốc tế thì hiện nay ngoài Hiệp định TRIPS có các văn bản sau quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay tên gọi xuất xứ hàng hóa hoặc cả hai: Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền SHCN; Thỏa ước Lisbone năm 1958 về bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ hàng hóa; Thỏa ước Madrid về hạn chế những chỉ dẫn sai lệch về nguồn gốc hàng hóa.
Khái niệm chỉ dẫn địa lý trong pháp luật quốc tế là được dùng để chỉ những sản phẩm có chất lượng, uy tín đặc biệt được tạo nên chủ yếu do yếu tố tự nhiên và nhân tố con người nơi sản phẩm được tạo ra.
Ở Việt Nam, cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 và được cụ thể hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.
Khái niệm này cho thấy rằng nó có những điểm chưa thật sự đồng nhất so với định nghĩa về chỉ dẫn địa lý được nêu ra tại Điều 22-1 của TRIPS khi chưa nêu được tính có chất lượng và uy tín của sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý trên thị trường. Tuy nhiên, từ khái niệm về chỉ dẫn địa lý được nêu ra tại Điều 4-22 Luật SHTT kết hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về các điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ thì khái niệm về chỉ dẫn địa lý sẽ được hiểu một cách đầy đủ hơn, cụ thể:
– Chỉ dẫn địa lý là sản phẩm có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với sản phẩm đó;
– Chỉ dẫn địa lý sản phẩm có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý (gồm yếu tố tự nhiên hoặc yếu tố con người) của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với sản phẩm đó quyết định.
DANH SÁCH CÁC CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ĐƯỢC BẢO HỘ TẠI VIỆT NAM
(Tính đến ngày 26/1/2018)
Số đăng bạ | Ngày cấp | Chỉ dẫn địa lý | Sản phẩm |
00001 | 1/6/2001 | Phú Quốc | Nước mắm |
00002 | 6/6/2001 | Mộc Châu (Sơn La) | Chè Shan tuyết |
00003 | 13/5/2002 | Cognac | Rượu mạnh (Cộng hòa Pháp) |
00004 | 14/10/2005 | Buôn Ma Thuột | Cà phê nhân |
00005 | 8/2/2006 | Đoan Hùng (Phú Thọ) | Bưởi quả |
00006 | 15/11/2006 | Bình Thuận | Quả thanh long |
00007 | 15/2/2007 | Lạng Sơn | Hoa hồi |
00008 | 23/5/2007 | Pisco | Rượu (Cộng hòa Peru) |
00009 | 25/5/2007 | Thanh Hà (Hải Dương) | Quả vải thiều |
00010 | 30/5/2007 | Phan Thiết | Nước mắm |
00011 | 31/5/2007 | Hải Hậu (Nam Định) | Gạo Tám Xoan |
00012 | 31/5/2007 | Vinh | Quả cam |
00013 | 20/9/2007 | Tân Cương (Thái Nguyên) | Chè |
00014 | 25/6/2008 | Hồng Dân (Bạc Liêu) | Gạo Một Bụi Đỏ |
00015 | 25/6/2008 | Lục Ngạn (Bắc Giang) | Vải thiều |
00016 | 30/9/2009 | Hòa Lộc (Tiền Giang) | Xoài Cát |
00017 | 30/9/2009 | Đại Hoàn thiệng (Hà Nam) | Chuối Ngự |
00018 | 7/1/2010 | Văn Yên (Yên Bái) | Quế vỏ |
00019 | 25/6/2010 | Hậu Lộc (Thanh Hóa) | Mắm tôm |
00021 | 8//9/2010 | Bắc Kạn | Hồng không hạt |
00022 | 9/11/2010 | Phúc Trạch (Hà Tĩnh) | Quả bưởi |
00023 | 19/11/2010 | Scotch whisky | Rượu mạnh (Scốt-len) |
00024 | 19/11/2010 | Tiên Lãng (Hải Phòng) | Thuốc lào |
00025 | 10/10/2011 | Bảy Núi (An Giang) | Gạo Nàng Nhen Thơm |
00026 | 21/3/2011 | Trùng Khánh (Cao Bằng) | Hạt dẻ |
00027 | 10/8/2011 | Bà Đen (Tây Ninh) | Mãng cầu (na) |
00028 | 13/10/2011 | Nga Sơn (Thanh Hóa) | Cói |
00029 | 13/10/2011 | Trà My (Quảng Nam) | Quế vỏ |
00030 | 7/2/2012 | Ninh Thuận | Nho |
00031 | 14/11/2012 | Tân Triều (Đồng Nai) | Bưởi |
00032 | 14/11/2012 | Bảo Lâm (Lạng Sơn) | Hồng không hạt |
00033 | 14/11/2012 | Bắc Kạn | Quýt |
00034 | 30/11/2012 | Yên Châu (Sơn La) | Xoài tròn |
00035 | 1/3/2013 | Mèo Vạc (Hà Giang) | Mật ong |
00036 | 29/8/2013 | Năm roi Bình Minh | Bưởi |
00037 | 12/12/2013 | Chả mực “Hạ Long” | Chả mực |
00038 | 12/12/2013 | Muối ăn Bạc Liêu | Muối ăn |
00039 | 18/12/2013 | Luận Văn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) | Bưởi |
00040 | 18/12/2013 | Hoa mai vàng Yên Tử (Quảng Ninh) | Hoa mai vàng |
00041 | 26/3/2014 | Con ngán Quảng Ninh | Con ngán |
00042 | 18/9/2014 | Isan Thái Lan | Tơ tằm truyền thống |
00043 | 25/9/2014 | Điện Biên | Gạo |
00044 | 28/10/2014 | Vĩnh Kim (Tiền Giang) | Vú sữa Lò rèn |
00045 | 28/10/2014 | Quảng Trị | Hạt tiêu |
00046 | 5/11/2014 | Cao Phong (Hòa Bình) | Cam |
00047 | 12/11/2015 | Vân Đồn (Quảng Ninh) | Sá sùng |
00048 | 8/6/2016 | Long Khánh (Đồng Nai) | Chôm chôm |
00049 | 16/8/2016 | Ngọc Linh (Quảng Nam, Kon Tum) | Sâm củ |
00050 | 19/8/2016 | Vĩnh Bảo (Hải Phòng) | Thuốc lào |
00051 | 10/10/2016 | Thường Xuân (Thanh Hóa) | Quế |
00052 | 12/10/2016 | Hà Giang | Cam sành |
00053 | 28/12/2016 | Kampong Speu | Đường thốt nốt |
00054 | 28/12/2016 | Kampot | Hạt tiêu |
00055 | 23/1/2017 | Hưng Yên | Nhãn lồng |
00056 | 5/7/2017 | Quản Bạ | Hồng không hạt |
00057 | 28/9/2017 | Xín Mần | Gạo tẻ Già Dui |
00058 | 28/9/2017 | Sơn La | Cà phê |
00059 | 24/10/2017 | Ninh Thuận | Thịt cừu |
00060 | 8/12/2017 | Thẩm Dương | Gạo nếp Khẩu Tan Đón |
00061 | 22/1/2018 | Mường Lò | Gạo mường Lò |
00062 | 26/1/2018 | Bến Tre | Bưởi da xanh |
00063 | 26/1/2018 | Bến Tre | Dừa uống nước Xiêm Xanh |
(Nguồn: Cục SHTT)
Để bảo vệ lợi ích của các chủ thể nêu trên thì việc bảo hộ các dấu hiệu (ký tự, hình ảnh, biểu tượng…) liên quan đến việc chỉ dẫn một vùng, một khu vực nhất định hoặc một quốc gia mà trong đó nó mô tả một sản phẩm được khởi nguồn tại vùng, khu vực, quốc gia đó và sản phẩm này có chất lượng hoặc danh tiếng có thể là do môi trường địa lý với những đặc tính vốn có và có thể có kết hợp với yếu tố con người tại vùng, khu vực, quốc gia đó tạo nên là cần thiết và tất yếu. Việc bảo hộ các nội dung nói trên dưới góc độ pháp lý được gọi là bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và chính việc bảo hộ này sẽ đem lại các lợi ích:
– Tạo ra tính ổn định, khuyến khích phát triển các sản phẩm có tính chất đặc trưng, khôi phục và bảo tồn đa dạng hóa sinh học; đồng thời nâng cao thu nhập của người nông dân;
– Chống lại sự lạm dụng thương mại trên thị trường (ví dụ, trường hợp của sản phẩm nước mắm Phú Quốc hay cà phê Buôn Ma Thuột);
– Thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó có thể cung cấp sản phẩm thật đến người tiêu dùng, chống hàng giả;
– Bảo vệ hình ảnh của một quốc gia có các sản phẩm danh tiếng trên trường quốc tế.
Tóm lại, đối tượng bảo hộ quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ một loại sản phẩm có danh tiếng, chất lượng với những đặc tính nhất định được bắt nguồn từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc một quốc gia mà chính do yếu tố địa lý tự nhiên hoặc có kết hợp với yếu tố về con người nơi đó tạo nên.