Hành vi xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ là gì?
1. Hành vi xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ là gì?
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là hành vi của tổ chức/cá nhân thực hiện hành vi đối với quyền SHTT không do mình là chủ sở hữu hoặc không được chủ sở hữu quyền SHTT cho phép.
Hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể xảy ra với tất cả các đối tượng khác nhau của quyền SHTT, bao gồm:
– Hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan;
– Hành vi xâm phạm quyền SHCN;
– Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng. Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT khi có đủ các căn cứ sau đây:
Một là, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền SHTT.
Hai là, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
Ba là, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền SHTT và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Bốn là, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Đối với các loại quyền SHTT đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ đó.
Đối với quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì các quyền này được xác định trên cơ sở bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan (nếu có).
Trong trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng được xem là có thực trên cơ sở các thông tin về tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan tương ứng, được thể hiện thông thường trên các bản sao được công bố hợp pháp.
Đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó. Đối với bí mật kinh doanh, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu thể hiện nội dung, bản chất của bí mật kinh doanh và thuyết minh, mô tả về biện pháp bảo mật tương ứng. Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thể hiện sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
2. Phân biệt hành vi vi phạm và hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Có thể phân biệt hành vi vi phạm pháp luật về SHTT với hành vi xâm phạm quyền SHTT thông qua ví dụ giả định sau đây:
Ví dụ 1: Đã biết Nguyễn Du là tác giả của Truyện Kiều:
– Ông A viết: Nguyễn Du là tác giả của “Truyện Vân”. Hành vi của ông A vi phạm Khoản 1 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vì đã xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm của Nguyễn Du;
– Ông B tự nhận mình là tác giả của Truyện Kiều. Hành vi của ông A đã vi phạm Khoản 2 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vì đã xâm phạm quyền đứng tên đối với tác phẩm của Nguyễn Du;
– Ông C đã xuyên tạc “Trời kia đã bắt làm người có than/Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”. Hành vi của ông A đã vi phạm Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vì đã xâm phạm quyền bảo vệ sự vẹn toàn tác phẩm của Nguyễn Du.
Ví dụ 2:
– Ông X là chủ sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu THAHOTEX cho sản phẩm dệt may hiện đang còn hiệu lực bảo hộ. Ông Y gắn nhãn hiệu THAHOTEX lên sản phẩm quần, áo để lưu thông trên thị trường mà không được sự cho phép của ông X;
– Đã biết Điểm a Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
Như vậy, hành vi của ông Y đã vi phạm Điểm a Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, vì đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của ông X khi gắn nhãn hiệu THAHOTEX lên sản phẩm quần, áo để lưu thông trên thị trường mà không được sự cho phép của ông X.
3. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quyền năng cần phải nhấn mạnh trước hết, đó là quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền SHTT. Chủ thể quyền SHTT có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền SHTT của mình, như:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc bảo vệ quyền SHTT được tiến hành bởi hai chủ thể, trước hết là quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền SHTT và sau đó là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế để ngăn chặn và xử lý hành vi của các cá nhân, tổ chức xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền SHTT.
Thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT thuộc về các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án, việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, UBND cấp tỉnh và cấp huyện.