1. Căn cứ pháp lý
Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Quảng cáo gian dối là gì?
Quảng cáo gian dối là hành vi quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng, giá trị và giá trị sử dụng thật của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.
Tội quảng cáo gian dối chưa được quy định trong BLHS năm 1985. Tuy nhiên do sự phát triển của xã hội, nền kinh tế thị trường cần có nhu cầu điều chỉnh những hành vi quảng cáo hàng hóa, nên Nhà nước coi hành vi quảng cáo gian dối là hành vi nguy hiểm cho xã hội và bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Xuất phát từ lý do đó, tội quảng cáo gian dối đã được quy định tại Điều 168 BLHS năm 1999 và BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, các hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử lsy khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. BLHS năm 2015 quy định về tội quảng cáo gian dối tại Điều 197, trong đó bỏ quy định về yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng và chỉ áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bỏ quy định áp dụng hình phạt tù.
3. Cấu thành tội phạm của tội quảng cái gian dối
3.1. Mặt khách thể của tội phạm
Tội quảng cáo gian dối về hàng hóa xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động về quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.
Đối tượng tác động của tội phạm này là hình thức, nội dung tin tức về hàng hóa, dịch vụ mà người phạm tội đã quảng cáo.
3.2. Mặt khách quan của tội phạm
Thứ nhất: Dấu hiệu hành vi khách quan
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự, chính sách xã hội, thông tin cá nhân.
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi quảng cáo gian dối, tức là đưa thông tin không đúng về chất lượng, hình thức, chức năng, công dụng và tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lãn cho khách hàng, trái với quy định của pháp luật về quảng cáo. Thông thường quảng cáo gian dối là hàng xấu, kém chất lượng nhưng lại nói rằng đó là hàng tốt, chất lượng cao. Ngoài ra, hành vi quảng cáo gian dối còn thể hiện ở chỗ, nói xấu hàng hóa của doanh nghiệp khác để làm nền quảng cáo cho hàng hóa của mình, quảng cáo không đúng công dụng của hàng hóa, không nêu những điều cần tránh khi sử dụng hàng hóa v.v…
Người phạm tội quảng cáo gian dối chỉ có một hành vi khách quan quy nhất là dùng quảng cáo gian dối, chào hàng, tiếp thị tốt về chất lượng hàng hóa, dịch vụ với khách hàng nhưng thực tế thì chất lượng không được như quảng cáo nhưng với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau như: vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, đăng báo, ghi âm, đưa tin trên đài phát thanh, truyền hình, đặt các phương tiện quảng cáo khác ở nơi công cộng v.v…
Khi xác định hành vi quảng cáo là gian dối cần căn cứ vào các quy định của Nhà nước về quảng cáo. Hành vi quảng cáo gian dối nêu trên là hành vi vi phạm nội dung quảng cáo được quy định tại khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 (thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH!) ngày 16 tháng 11 năm 2011): “Cấm Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.” Những hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực quảng cáo mà không được quy định trong trong Điều 8 Luật quảng cáo không thuộc nội dung cấu thành tội quảng cáo gian dối. Các trường hợp khác tùy theo mức độ vi phạm và mức độ gây thiệt hại, người vi phạm pháp luật về quảng cáo có thể bị xử lý hành chính. Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo”.
Ngoài ra cần chú ý tới các yêu cầu về quảng cáo được quy định trong Luật quảng cáo 2012 như: các sản phẩm và dịch vụ cấm quảng cáo, các nội dung cấm quảng cáo; các sản phẩm, dịch vụ quảng cáo cần có yêu cầu, yêu cầu về nội dung và hình thức quảng cáo…
Thứ hai: Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
Trước đây theo quy định của BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hậu quả của tội phạm là một trong những yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Nếu quả chưa nghiêm trọng, thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội phạm. Hiện nay, theo Điều 197 BLHS năm 2015 đã bỏ quy định này. Tuy nhiên, trong tội quảng cáo gian dối vẫn cần thiết xác định được các hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra để xác định tính chất, mức độ của tội phạm. Hậu quả do hành vi quảng cáo gian dối gây ra là những thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người, cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội. Ví dụ: do hành vi quảng cáo gian dối nên khách hàng đã mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ nhưng việc này đã không mang lại lợi ích như đã quảng cáo, gây thiệt hại về tài sản hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thứ ba: Các dấu hiệu khách quan khác
Các dấu hiệu khách quan khác được quy định trong cấu thành tội phạm của tội quảng cáo gian dối có thể là:
-Các mặt hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục được quy định quảng cáo;
-Thời gian, địa điểm quảng cáo;
-Hình thức quảng cáo;
-Câu chữ, hình ảnh hoặc âm thanh trong quảng cáo;
-Việc lợi dụng danh nghĩa và địa vị của cơ quan, tổ chức, cá nhân để quảng cáo.
3.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đáp ứng điều kiện là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Đối với tội quảng cáo gian dối, chủ thể thực hiện tội phạm chủ yếu là những chỉ daonh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, những người khác cũng có thể trở thành chủ thể, nếu họ thực hiện việc quảng cáo gian dối hàng hóa của chủ doanh nghiệp theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp.
3.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi quảng cáo gian dối của mình là trái với quy định của pháp luật về quảng cáo, gây ra hậu quả nguy hiểm cho người tiêu dùng và xã hội, nhận thức được hậu quả có thể hoặc tất yếu xảy ra nhưng vẫn mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, nhưng người phạm tội quảng cáo gian dối thường vì động cơ vụ lợi (muốn bán được nhiều hàng hóa).
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi phạm tội thực hiện hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ trong những trường hợp đã từng bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.