Để giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế, mỗi quốc gia trước hết phải triệt để tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, nhất là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; Hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Ngoài các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, lĩnh vực giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế còn có các nguyên tắc đặc thù riêng như nguyên tắc an ninh không chia cắt, nguyên tắc ân ninh bình đẳng,…
1. Nguyên tắc “An ninh không chia cắt”
Trong thế giới đương đại, các quốc gia đều tồn tại trong mối quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau. Tồn tại trong xu thế ngày càng gia tăng sự tùy thuộc giữa các quốc gia là một đặc điểm có tính thời đại, tác động đến quá trình phát triển của các quốc gia trong điều kiện toàn cầu hoá, thông qua sự liên kết của kinh tế tri thức và thống nhất thị trường thế giới.
Tiếp cận với các quan hệ quốc tế từ góc độ này, yêu cầu của thế giới không chia cắt đòi hỏi phải có một nền an ninh chung, theo đó, an ninh của mỗi quốc gia ngày nay đều phụ thuộc vào an ninh của mọi quốc gia. An ninh quốc tế hiện nay xuất phát từ quan điểm đúng đắn rằng, không thể xây dựng an tinh của một nhóm quốc gia hay của một quốc gia mà bỏ qua an ninh của các quốc gia khác và của cả cộng đồng quốc tế. Điều này không dẫn đến loại bỏ nhu cầu bảo đảm an ninh của một quốc gia, vì mỗi quốc gia luôn là thực thể độc lập, có chủ quyền, nên đều có quyền thiết lập nên an ninh riêng biệt của mình. Nền an ninh riêng của mỗi quốc gia có liên quan trực tiếp đến một vấn đề rất quan trọng, đó là vấn đề thực hiện quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia. Phạm vi của việc thực hiện quyền tự vệ hợp pháp đã được giới hạn tại Điều 51 Hiếu chương Liên hợp quốc, trong đó khẳng định quyền của mỗi quốc gia được sử dụng lực lượng vũ trang để đánh trả hành vi xâm phạm hoà bình và an ninh của mình. Luật quốc tế hiện đại coi đây là một trong những biện pháp hợp pháp để bảo đảm an ninh quốc tế. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh chung cho toàn thế giới, an ninh của mỗi quốc gia cần được giữ ở mức độ cần thiết, phù hợp giữa an ninh riêng và ninh chung của cả cộng đồng quốc tế. Việc một quốc gia có quyền tự vệ hợp pháp nhưng phải tương xứng với mức độ tấn công từ phía đối phương và hoàn toàn có thể tiến hành theo hình thức đơn lẻ hoặc tập thể.
Ngoài ra, để tránh chạy đua vũ trang, mỗi quốc gia chỉ cần xây dựng lực lượng vũ trang và trang bị vũ khí ở mức độ vừa đủ, cần thiết cho phòng thủ đất nước.

2. Nguyên tắc “An ninh bình đẳng”
Để bảo đảm an ninh chung của cả cộng đồng quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng sự cân bằng về quân sự trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Hiến chương Liên hợp quốc xác định nghĩa vụ của các quốc gia là phải kiềm chế, không chạy đua vũ trang. Trong quan hệ song phương, quan hệ khu vực và toàn cầu, từng quốc gia phải luôn tính đến an ninh của các quốc gia khác. Mặt khác, an ninh của các quốc gia đều phải được bảo đảm như nhau, không một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào có quyền tìm mọi cách để tạo ra ưu thế về an ninh cho mình trước các quốc gia khác trong khu vực và trong cả cộng đồng quốc tế.
Xem thêm: Các vùng biển quốc gia có chủ quyền và quyền tài phán
Xem thêm: Công nhận quốc tế là gì? Các thể loại công nhận quốc tế