1. Biển báo Làn đường dành cho xe đạp (Biển số R.412h)
1.1. Ý nghĩa của Biển báo Làn đường dành cho xe đạp (Biển số R.412h)
– Để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe nhoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h). Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Tùy loại phương tiện, nhóm phương tiện cần quy định mà bố trí hình vẽ, biểu tượng các phương tiện tương ứng và mũi tên trên biển cho phù hợp và đảm bảo mỹ quan. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định). Riêng biển số R.412e “Làn đường dành cho xe buýt”, nếu vạch sơn phân làn dành cho xe buýt có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt); trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.
Biển báo Làn đường dành cho xe đạp (Biển số R.412h): làn đường dành riêng cho xe đạp (kể cả các loại xe thô sơ khác)
– Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.
Lưu ý: Biển R.412h không cấm xe rẽ phải, rẽ trái để ra, vào cổng nhà hoặc ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị trên đoạn đường có hiệu lực của biển.
1.2. Cách nhận biết Biển báo Làn đường dành cho xe đạp (Biển số R.412h)
Biển báo Làn đường dành cho xe đạp (Biển số R.412h) có hình chữ nhật, nền màu xanh lam. Trên nền xanh là hình vẽ một chiếc xe đạp, phía trên hình vẽ xe đạp là một mũi tên màu trắng chỉ rõ hướng di chuyển cho phép trên làn đường đó.
2. Mức phạt đối với lỗi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều)
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), đối với lỗi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) sẽ bị xử phạt như sau:
- Máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng; Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
- Xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện): Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.